Sự kiện

Tỉnh đầu tiên của miền Tây xuất hiên dịch tả lợn châu Phi

68 con heo của hai gia đình tại hai xã ở tỉnh Hậu Giang được tiêu hủy sau khi phát hiện dịch bệnh. Như vậy Hâu Giang là tỉnh đầu tiên ở miền Tây xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.

Sáng 14/5, trao đổi với báo Người lao động, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hậu Giang, xác nhận địa phương đã phát hiện 2 điểm dương tính với dịch tả heo châu Phi.

Cụ thể, hồi đầu tháng 4/2019, tại xã Nhơn Nghĩa A (huyện Châu Thành A) phát hiện đàn heo khoảng 50 con, sau khi xét nghiệm thì dương tính với bệnh tai xanh và bệnh tả heo châu Phi.

Mới đây, ở xã Vĩnh Tường (huyện Vị Thủy), ngành chức năng cũng phát hiện một ổ dịch khác nhiễm bệnh. Cả 2 ổ dịch phát hiện đều là của hộ chăn nuôi gia đình.

Hậu Giang xuất hiện lợn bệnh, là tỉnh đầu tiên của miền Tây có dịch tả lợn châu Phi

Cũng theo ông Hùng, sau khi phát hiện, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thú y tỉnh phối hợp các ngành liên quan và các địa phương tiến hành dập dịch, phun xịt khử trùng tránh lây lan. Đồng thời, lập các chốt kiểm soát việc vận chuyển động vật ngoài tỉnh vào Hậu Giang. 

"Sau thời gian khoanh vùng dập dịch, chúng tôi chưa phát hiện thêm ổ dịch nào mới. Người dân, bà con chăn nuôi nên thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Đặc biệt, hạn chế tiếp xúc, sử dụng các loại gia súc không rõ nguồn gốc, có nguy cơ nhiễm virus dịch bệnh", Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang đưa ra lời khuyên.

Trao đổi với VnExpress, một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết ngành thú y tỉnh phối hợp với cơ quan chức năng triển khai chống dịch, lập các chốt kiểm soát việc vận chuyển động vật trong bán kính 3 km tại hai ổ dịch. 

Toàn tỉnh có trên 15.000 hộ chăn nuôi heo, chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, với tổng đàn khoảng 160.000 con.

Như vậy, tính đến thời điểm này, Hậu Giang là địa phương đầu tiên ở miền Tây xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.

Báo Lao động đưa tin, phát biểu tại hội nghị trực tuyến phòng chống dịch tả lợn châu Phi, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho hay, đến ngày 12/5, số lợn bệnh buộc phải tiêu huỷ đã lên tới hơn 1,2 triệu con (chiếm khoảng hơn 4% tổng đàn lợn của cả nước).

Hiếu Nguyễn (Tổng hợp)