Giáo dục

Tỉnh Đắk Lắk đồng ý phương án bổ sung kinh phí để mở thêm các lớp 10

Trước tình trạng hàng nghìn học sinh tốt nghiệp THCS không còn trường để học, tỉnh Đắk Lắk vừa đồng ý phương án bổ sung kinh phí để mở thêm các lớp 10.

Ngày 16/8, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo Sở GD&ĐT, Sở Tài Chính, Sở Nội vụ cùng lãnh đạo các địa phương, lãnh đạo các phòng giáo dục trên địa bàn về việc gần 2.500 học sinh đã tốt nghiệp THCS chuẩn bị vào lớp 10 nhưng không còn trường để học.

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk, công tác tuyển sinh lớp 10 THPT được thực hiện theo chương trình Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025.

Cụ thể, 70% học sinh sau tốt nghiệp THCS sẽ vào THPT, số còn lại học chương trình vừa học nghề, vừa học văn hóa. Vì vậy, hiện trên địa bàn tỉnh còn gần 2.500 học sinh chưa có trường để học.

Đại diện các đơn vị nêu ý kiến tại cuộc họp. 

Tại cuộc họp, đại diện các địa phương cho hây, việc hàng ngàn học sinh không còn chỗ học lớp 10 gây sự hoang mang trong dư luận.

Theo một lãnh đạo UBND Tp.Buôn Ma Thuột, trong các cuộc tiếp xúc cử tri gần đây, hơn 1.000 học sinh chuẩn bị vào lớp 10 ở thành phố chưa biết học trường nào là vấn đề được kiến nghị rất nhiều. Do đó, thành phố đề nghị sớm có phương án giải quyết để các học sinh có chỗ học, phụ huynh được an tâm.

Còn tại địa bàn huyện Ea H’leo, hiện này còn 446 học sinh chưa có trường học. Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo thông tin, phía huyện đã nhanh chóng có báo để xin chủ trương bổ sung kinh phí mở thêm lớp 10 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Giáo dục nghề nghiệp (GDTX-GDNN) tại huyện.

Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo khẳng định, nếu được đồng ý, huyện sẽ mở thêm 5 lớp 10 của Trung tâm GDTX-GDNN với khoảng 225 em học tại các trường. Đối với số học sinh còn lại, huyện “chịu” chưa biết bố trí vào đâu.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại cuộc họp. 

Cũng tại cuộc họp, đại nhiều các địa phương đã nêu ra các ý kiến về tình trạng thiếu cơ sở vật chất, thiếu biên chế giáo dục và kiến nghị tỉnh có phương án xử lý.

Ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk cho hay, đối với số lượng học sinh chưa có trường để học theo phân lường, giải pháp tăng thêm lớp 10 tại các trường THPT là không thể. Lý do cơ sở vật chất, số lớp, số giáo viên tại các trường đã cố định không thể mở thêm. Vì vậy, chỉ còn giải pháp bố trí kinh phí mở các lớp tại các Trung tâm GDTX-GDNN.

Tiếp thu các ý kiến từ các đơn vị, bà H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị, phía Sở GD&ĐT phải làm tốt công tác truyền thông về phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS để phụ huynh nắm bắt, hiểu rõ để không xảy ra tình trạng hoang mang, lo lắng như hiện tại.

Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu phải xác định số lượng các học sinh “ảo” nộp hồ sơ tại các trường THPT để sớm bổ sung thêm chỉ tiêu cho các trường. Riêng các học sinh không trúng tuyển, Sở GD&ĐT phải có văn bản hướng dẫn cụ thể cho phụ huynh.

Bà H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương liên quan phải cùng vào cuộc xử lý tình trạng học sinh không có trường học.

Bà H’Yim Kđoh cũng yêu cầu ngành giáo dục phải phối hợp, dự báo số lượng học sinh sẽ vào lớp 10 để có các kế hoạch cụ thể, tránh bị động, loay hoay chưa giải quyết dứt điểm.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý phương án bổ sung kinh phí để mở thêm các lớp 10 tại Trung tâm GDTX-GDNN. Các trung tâm phải lên kế hoạch bổ sung bao nhiêu lớp, số giáo viên hợp đồng, số học sinh sẽ tiếp nhận.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương liên quan phải cùng vào cuộc xử lý tình trạng học sinh không có trường học, đến này 20/8 phải báo cáo đến UBND tỉnh.

Khánh Ngọc