Toàn cảnh

Tình báo Anh: Nga sắp “mất nhuệ khí”, Ukraine sẽ "lật ngược tình thế"?

Lãnh đạo Tình báo Anh nhận định, Nga sẽ ngày càng gặp khó khăn trong việc bổ sung nhân lực vài tuần tới và điều đó sẽ tạo cơ hội cho người Ukraine phản công.

Tổng thống Zelensky: Ukraine có thể gây thiệt hại lớn cho lực lượng Nga

Trong một phát biểu qua video đêm 21/7, Tổng thống Zelensky cho biết, cuộc họp với các chỉ huy cấp cao của Ukraine đã thảo luận về việc cung cấp vũ khí hiện đại, đồng thời tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Nga. “Các lực lượng của chúng tôi có tiềm năng mạnh mẽ để tiến công trên chiến trường và gây ra những tổn thất mới đáng kể cho các lực lượng Nga”, ông tuyên bố.

Kiev hy vọng rằng, vũ khí của phương Tây, đặc biệt là tên lửa tầm xa như HIMARS của Mỹ mà Ukraine đã triển khai trong những tuần gần đây, sẽ cho phép nước này phản công và giành lại các vùng lãnh thổ đã bị Nga kiểm soát.

"Mỗi cuộc tấn công của Nga là một lý do để Ukraine nhận thêm HIMARS cũng như các loại vũ khí hiện đại và hiệu quả khác. Mỗi cuộc tấn công này cũng củng cố mong muốn của chúng tôi đánh bại đối thủ và điều đó chắc chắn sẽ xảy ra”, Tổng thống Zelensky nói.

Tổng thống Volodymyr Zelensky. (Ảnh: Reuters).

Tình báo Anh: Nga sắp “mất nhuệ khí” ở Ukraine

Cùng ngày, phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen ở Colorado (Mỹ), Giám đốc Cơ quan Tình báo Bí mật Anh (MI6), ông Richard Moore nói, quân đội Nga có thể sẽ bắt đầu tạm dừng hoạt động trong một số tuần tới, tạo cơ hội quan trọng cho Ukraine để phản công

Theo ông Moore, cuộc xung đột “rõ ràng là chưa kết thúc” và Moscow đã đạt được một số bước tiến trong những tuần và tháng gần đây. Song, ông cho rằng Nga "sắp mất nhuệ khí” và ngày càng gặp khó khăn trong việc cung cấp nhân lực và vật lực trong vài tuần tới. “Nga sẽ phải tạm dừng theo một cách nào đó, và điều đó sẽ tạo cơ hội cho Ukraine phản công trở lại. Tinh thần của Kiev vẫn còn cao. Họ bắt đầu nhận được ngày càng nhiều vũ khí tốt”, ông Moore nhận định.

Giám đốc MI6 cho hay, điều cần thiết đối với Ukraine bây giờ là một chiến thắng vì khi đó nó sẽ giúp duy trì tinh thần cao của Kiev. "Tôi cho rằng, điều quan trọng đối với chính người Ukraine là họ chứng tỏ khả năng phản công. Và tôi nghĩ điều đó sẽ rất quan trọng đối với việc tiếp tục duy trì nhuệ khí cao của họ”, ông Moore cho biết.

Đồng thời ông nói thêm rằng, sự phản công của Kiev "sẽ là một lời nhắc nhở quan trọng đối với phần còn lại của châu Âu, rằng đây là một chiến dịch có thể giành chiến thắng được của người Ukraine”. Giám đốc MI6 bày tỏ: “Bởi vì chúng ta sắp trải qua một mùa Đông khá khắc nghiệt. Rõ ràng, trong bầu không khí với áp lực lên nguồn cung cấp khí đốt và tất cả những thứ còn lại, chúng ta đang ở trong một giai đoạn khó khăn".

Anh viện trợ lô vũ khí “khủng” cho Ukraine

Phát biểu trước Quốc hội ngày 21/7, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết, nước này sẽ gửi cho Ukraine vũ khí chống tăng, máy bay không người lái, pháo và hàng chục nghìn viên đạn.

Theo ông Wallace, Ukraine sẽ nhận được hơn 20 khẩu pháo M109 và 26 khẩu L119, cũng như hệ thống radar phản pháo và hơn 50.000 viên đạn cho các hệ thống pháo từ thời Liên Xô. Ngoài ra, Anh cũng sẽ gửi 1.600 vũ khí chống tăng và máy bay không người lái (UAV) cho Kiev. Lô vũ khí này sẽ được gửi đến Ukraine trong những tuần tới. Thông báo của Bộ trưởng Quốc phòng Wallace được đưa ra vài tuần sau khi Thủ tướng sắp mãn nhiệm Boris Johnson cam kết hỗ trợ quân sự thêm 1 tỷ bảng Anh (1,2 tỷ USD) cho Ukraine.

Tổng cộng, Vương quốc Anh đã chi 2,3 tỷ bảng Anh vào vũ khí và đào tạo cho quân đội Ukraine kể từ cuối tháng 1/2022. Số tiền này đã chi cho gần 7.000 NLAW, Javelin và các tên lửa chống tăng khác, 16.000 viên đạn pháo, 6 bệ phóng tên lửa phòng không di động, một số hệ thống pháo phản lực M270 và 120 xe bọc thép.

Một binh sĩ Ukraine đang cầm vũ khí chống tăng hạng nhẹ thế hệ tiếp theo (NLAW) do Anh viện trợ ở Lviv. (Ảnh: Reuters).

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley khẳng định, Nga vẫn chưa thể loại bỏ bất kỳ hệ thống pháo nào mà phương Tây viện trợ cho Ukraine. Tuyên bố được đưa ra sau khi Nga thông báo đã phá hủy hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS của Mỹ ở gần tiền tuyến.

“Về HIMARS, chúng tôi không phải là quốc gia duy nhất cung cấp cho Ukraine các hệ thống kiểu này. Một số quốc gia khác cũng đang cung cấp hỏa lực tầm xa cho Kiev, chẳng hạn như Anh. Cho đến nay, HIMARS và những hệ thống đó vẫn chưa bị quân đội Nga phá hủy”, ông Mark Milley cho hay.

Cũng theo quan chức Mỹ, quân đội Ukraine đang sử dụng hiệu quả hệ thống HIMARS để tấn công các nút chỉ huy và kiểm soát của Nga. “Ukraine có những người lính pháo binh xuất sắc, những xạ thủ xuất sắc và họ đang hoạt động rất, rất hiệu quả”. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov cũng thừa nhận việc quân đội nước này nhận được lời khen từ Mỹ và các đồng minh. “Họ bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với kỹ năng của các binh sĩ Ukraine, bao gồm cả cách chúng tôi sử dụng pháo, HIMARS”. Ông Reznikov cho biết, những vũ khí do phương Tây tài trợ này đã "ảnh hưởng đến tiến trình của cuộc chiến”. Trong khi đó, phía Nga đã bác bỏ ý kiến cho rằng tổ hợp pháo phản lực cơ động cao HIMARS Mỹ cấp cho Ukraine có thể tạo ra mối đe dọa với Moscow.

Tổng thống Belarus: Ukraine nên nhượng bộ lãnh thổ cho Nga

Tổng thống Belarus Lukashenko cho rằng, Ukraine có thể chấm dứt chiến sự bằng cách đàm phán với Nga, nhượng bộ lãnh thổ để tránh nguy cơ chiến tranh hạt nhân. "Chúng ta phải dừng lại, đạt được thỏa thuận, chấm dứt tình trạng lộn xộn và chiến sự ở Ukraine", Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko trả lời phỏng vấn tại Thủ đô Minsk hôm 21/7. "Hãy dừng lại và chúng ta sẽ tìm ra cách tiếp tục tồn tại. Không cần phải đi xa hơn, xa hơn sẽ là vực thẳm của chiến tranh hạt nhân. Không cần phải đi đến bước đó".

Ông Lukashenko đồng thời cáo buộc phương Tây tìm kiếm xung đột với Nga và kích động xung đột Ukraine. "Các ngài đã thúc đẩy chiến sự và đang khiến xung đột tiếp diễn. Chúng tôi biết những lý do của cuộc chiến này", Tổng thống Belarus nói. "Nếu Nga không hành động trước các ngài, những thành viên NATO, thì các ngài đã giáng đòn vào họ".

Theo Tổng thống Belarus, Chính phủ Ukraine có thể chấm dứt chiến sự nếu họ bắt đầu lại đàm phán với Nga và chấp nhận yêu cầu của Moscow. "Mọi thứ phụ thuộc vào Ukraine", ông nói. "Hiện tại, điểm đặc biệt của thời điểm này là cuộc chiến có thể kết thúc với những điều kiện dễ chấp nhận hơn đối với Ukraine".

Ông kêu gọi Chính phủ Ukraine "ngồi xuống bàn đàm phán và đồng ý không bao giờ đe dọa Nga", chấp nhận mất các vùng bị Nga kiểm soát ở miền Đông và miền Nam Ukraine. "Hồi tháng 2 hoặc tháng 3 điểm này có thể còn cần thảo luận, nhưng giờ thì không", ông nhấn mạnh.

Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm "phi quân sự hóa và phi phát-xít hóa" Ukraine hôm 24/2. Belarus, đồng minh của Nga, đóng vai trò là nơi tập kết lực lượng của Moscow trong chiến dịch quân sự này. Tuy nhiên, ông Lukashenko cho đến nay vẫn tránh đưa Belarus trở thành một bên trong xung đột.

Lực lượng cứu hộ làm việc tại trường học bị hư hại do giao tranh ở Tp.Kramatorsk, tỉnh Donetsk, miền Đông Ukraine ngày 21/7. (Ảnh: Reuters).

Nga khẳng định không có liên lạc chính thức nào với Mỹ về vấn đề Ukraine

Ngày 21/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, nước này và Mỹ không có kênh liên lạc chính thức nào về vấn đề Ukraine, mọi cuộc thảo luận về chủ đề này đều là vấn đề kỹ thuật.

Theo bà Zakharova, các vấn đề kỹ thuật được thảo luận ở cấp phái Bộ Ngoại giao của hai nước và đại sứ quán của mỗi nước. Bà cho rằng, nguyên nhân xảy ra tình trạng thiếu liên lạc giữa hai nước như vậy là do chính sách của Washington.

Kể từ sau khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine hồi cuối tháng 2 năm nay, hai bên đã tiến hành nhiều vòng đàm phán cả trực tiếp và trực tuyến nhằm giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine đã bị đình trệ kể từ đầu tháng 4, khi đàm phán về lệnh ngừng bắn do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian đã đổ vỡ. Cũng kể từ thời điểm đó, phương Tây đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga để thể hiện sự ủng hộ với Ukraine.

Cũng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Nga sẽ không làm thay đổi lập trường của Moscow. Liên quan đến vấn đề nguồn cung khí đốt của Nga cho châu Âu, ông Peskov cho rằng tất cả những khó khăn trong lĩnh vực này là do các biện pháp trừng phạt của phương Tây gây ra. Ông khẳng định, Nga vẫn là "một phần rất quan trọng và không thể thiếu trong an ninh năng lượng của châu Âu". Trong bối cảnh châu Âu lo ngại việc Nga có thể hạn chế hơn nữa nguồn cung cấp khí đốt, ông Peskov đã nhắc lại tuyên bố trước đó của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng, Gazprom đã hoàn thành cam kết và sẽ tiếp tục hoàn thành các nghĩa vụ của mình với khách hàng.

TÚ ANH (T/h)