Sự kiện

Không thể bỏ lỡ: Rượu bia làm nóng nghị trường Quốc hội, diễn viên "Vợ ba" nói không hối hận...

Quốc hội nóng tranh luận về dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia, Khởi tố bị can vụ giết người đổ bê tông, diễn viên "Vợ ba" nói không hối hận, Hoãn Đại hội cổ đông Eximbank sau khi lộ diện tân Chủ tịch... là những tin nóng không thể bỏ lỡ hôm nay 23/5.

Quốc hội "nóng" tranh luận về dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu, bia

Trong buổi thảo luận sáng nay (23/5) tại hội trường Quốc hội về Luật Phòng chống tác hại rượu bia, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) băn khoăn với các tiếp cận của dự thảo Luật. Bởi rượu từng là sản phẩm văn hóa, nên “kiểm soát” chứ không nên coi nó hoàn toàn độc hại để rồi có cái nhìn cực đoan.

ĐBQH Phạm Văn Tuân, đoàn Thái Bình cho rằng: “Tôi băn khoăn về tên gọi của Dự án Luật vì trong quá trình triển khai thực hiện chưa có cơ sở nào khẳng định tác hại của rượu, bia nếu sử dụng ở mức độ hợp lý mà chỉ có lạm dụng rượu, bia mới có tác hại. Mặt khác, bia rượu là đều nằm trong những loại đồ uống lâu đời nhất loài người tạo ra, tồn tại phổ biến ở các quốc gia trên thế giới và đã trở thành nét văn hóa bản xứ'.

Chỉ nên luật hóa hành vi lạm dụng bia, rượu chứ không nên ngăn cấm hoàn toàn.

Chúng ta phải nhìn nhận rượu, bia khác thuốc lá nên không thể đồng nhất tác hại của rượu, bia với tác hại của thuốc lá. Tôi đề nghị thay đổi tên cho dự luật vì khái niệm rượu, bia được giải thích ngay tại khoản 1, khoản 2 Điều 2 đã bao hàm và khái quát tên gọi của nó là đồ uống có cồn. Mặt khác, qua tham khảo tài liệu trên thế giới hiện nay chưa có quốc gia nào ban hành đạo luật và có tên Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Một số quốc gia đã ban hành luật riêng về đồ uống có cồn nhưng họ lấy tên là Luật Kiểm soát đồ uống có cồn. Tôi đề nghị lấy tên Luật Kiểm soát đồ uống có cồn, từ tên gọi xác định được mục tiêu, phạm vi điều chỉnh và những biện pháp thực hiện luật với 2 mục đích chính: Một là bảo vệ sức khỏe của người dân; Hai là thay đổi nhận thức của người dân về sử dụng rượu, bia.

ĐBQH Dương Trung Quốc, đoàn Đồng Nai cũng cho rằng: “Theo dõi các phiên thảo luận liên quan đến luật này tôi cảm nhận được một điều là chúng ta tiếp cận sai. Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của đại biểu Phong Lan và đại biểu Phạm Văn Tuân, lẽ ra chúng ta phải tiếp cận từ văn hoá. Bản báo cáo trình Quốc hội là của Chính phủ, nhưng rõ ràng dấu ấn của bộ Y tế quá nặng và có xu hướng hơi biệt lập, thậm chí là nó hơi cực đoan.

Ai cũng nhớ nằm lòng câu thơ của Bác Hồ “Trong tù không rượu, cũng không hoa”, để nói con người bị tước đoạt tự do là không được ngắm hoa, không được uống rượu. Trong di cảo của Bác Hồ có rất nhiều bài thơ rất hay về rượu, “khi nghe tin thắng trận lâng lâng như được uống mấy chén rượu”, nó là văn hóa của cả nhân loại rồi, tại sao ta đưa nó lên đoạn đầu đài như thế này.

Bên ngoài hành lang Quốc hội, chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, ông Dương Trung Quốc tiếp tục khẳng định quan điểm: “Tôi nghĩ rằng, không chỉ lĩnh vực này mà các lĩnh vực khác cũng cần tăng cường chế tài. Tuy nhiên, tôi không đồng ý với cách tiếp cận của luật này. Nên dùng là kiểm soát vì rượu bia không xấu, nó là một sản phẩm văn hóa. Dùng từ lạm dụng thì không thật chuẩn nhưng dùng từ kiểm soát là đúng. Kiểm soát từ khâu sản xuất, phân phối, người uống rượu bia cũng phải tự kiểm soát”.

Khởi tố bị can vụ giết người đổ bê tông

Liên quan đến vụ giết người đổ bê tông tại Bình Dương đang gây chấn động dư luận, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi giết người đối với Phạm Thị Thiên Hà (31 tuổi); Trịnh Thị Hồng Hoa (66 tuổi, mẹ của Hà, thường trú tại quận Tân Phú, TP.HCM); Lê Ngọc Phương Thảo (29 tuổi, quê Tiền Giang) và Nguyễn Ngọc Tâm Huyên (40 tuổi, ngụ TP.HCM).

Hồ sơ được chuyển qua Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và chờ phê chuẩn.

Hai nghi can gây ra vụ giết người đổ bê tông ở Bình Dương.

Lời khai của nhóm nghi can trên thể hiện, trong quá trình tu luyện tại huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu), nạn nhân Trần Đức L. (50 tuổi, quê tỉnh Nghệ An) nhảy lầu bỏ trốn rồi bị ngã tử vong. Sau đó, thi thể anh L. được đưa về căn nhà số 90 (thuộc ấp 5, xã Hưng Hòa, huyện Bàu Bàng, Bình Dương) rồi bỏ vào thùng nhựa đổ trà ướp xác và đổ bê tông lên trên.

Tiếp đó, trong quá trình tu luyện tại đây, Hà thấy Trần Trí T. (27 tuổi, tạm trú quận Phú Nhuận, TP.HCM) không làm đúng theo nguyên tắc của mình đặt ra nên chỉ đạo cả nhóm sát hại Thành bằng bình kích điện, rồi tiếp tục bỏ xác nạn nhân vào thùng nhựa, đổ bê tông lên trên.

Khi nhóm đang chuẩn bị rời khách sạn tại khu dân cư Tiamo Phú Thịnh (phường Phú Thọ, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) thì bị công an bắt giữ nhờ tin báo từ nhân viên bảo vệ khách sạn này.

Nữ chính đóng phim "Vợ ba" nói không hối hận

Mặc dù bị hứng nhiều "gạch đá" là bộ phim sử dụng diễn viên 13 tuổi đóng cảnh nhạy cảm và bị dừng chiếu từ 20/5 song chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, diễn viên Nguyễn Phương Trà My - người đóng vai nữ chính trong "Vợ ba" cho biết không hối hận vì đã tham gia bộ phim này.

"Gặp phải những lời bình luận tiêu cực nhưng em không hối hận khi tham gia Vợ ba. Trước khi nhận lời thủ vai nhân vật, nhiều người đã cảnh báo em về việc dư luận sẽ khắt khe. Em đã nói “con đã nhận vai thì con sẽ chấp nhận”.

Em thấy biết ơn và thương mến ê-kíp hơn. Phim hoàn thành rồi nên không thể quay lại. Có những ý kiến trái chiều nhưng cũng có người luôn bên cạnh nên em không nuối tiếc gì cả" - Trà My nói.

Nữ diễn viên Trà My diễn nhiều cảnh vợ chồng khi mới 13 tuổi.

Trong một diễn biến liên quan, người phát ngôn của bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) cho biết, đến trưa 23/5, cục Điện ảnh vẫn chưa có đơn giải trình về quy trình thẩm định phim Vợ ba đang gây tranh cãi.

Theo đó, khi được hỏi: "Đã 3 ngày sau khi Bộ yêu cầu cục Điện ảnh giải trình về phim Vợ ba, thì đơn vị này đã báo cáo với Bộ chưa?" Ông Nguyễn Thái Bình - Chánh Văn phòng, người phát ngôn bộ  - cho PV biết: "Bộ vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản hay phản hồi nào từ phía cục Điện ảnh về phim Vợ ba. Tôi sẽ thông báo ngay sau khi có kết quả giải trình về phim".

Ngay từ thời điểm xảy ra tranh cãi liên quan đến việc nữ diễn viên Nguyễn Phương Trà My trực tiếp thực hiện các cảnh nóng trong phim Vợ ba khi mới 13 tuổi, cục Điện ảnh và Hội đồng Thẩm định phim Trung ương vẫn luôn giữ im lặng dù chính hai đơn vị này chịu trách nhiệm phê duyệt, phát hành phim.

Trước đó, ngày 20/5, bộ VH,TT&DL đã gửi công văn đề nghị cục Điện ảnh kiểm tra quy trình cấp phép của phim Vợ ba. Cụ thể, Công văn 394/VP-TT do Chánh Văn phòng bộ VH,TT&DL Nguyễn Thái Bình ký gửi cục Điện ảnh về việc kiểm tra, báo cáo về nội dung bộ phim Vợ ba của đạo diễn Nguyễn Phương Anh nêu rõ: “Giao cục Điện ảnh kiểm tra lại quy trình cấp phép bộ phim Vợ ba tham mưu Lãnh đạo Bộ phương án xử lý. Thời hạn báo cáo Bộ trưởng trước ngày 24/5/2019”.

Bộ phim kể về cuộc đời của Mây (Nguyễn Phương Trà My) - một cô bé bị gả làm vợ út cho một gia đình giàu có. Giữa cuộc chiến sinh con trai để giành vị trí được coi trọng trong gia đình, Mây bất ngờ nảy sinh tình cảm đồng giới với vợ hai Xuân (Mây) nhưng bị Xuân từ chối và chỉ coi như con gái.

Trong phim, Mây về làm vợ ba trong gia đình chủ giàu có ở vùng nông thôn phía Bắc cuối thế kỷ 19. Dù các cảnh phim được quay rất nghệ thuật nhưng Trà My đã phải đảm nhiệm hầu hết cảnh phim nhạy cảm liên quan đến người phụ nữ như làm tình, mang bầu, sinh con, cho con bú.... Bên cạnh đó là hàng loạt cảnh quay gây sốc, trong đó có cảnh húp trứng trên bụng thiếu nữ.

Được biết, cuối năm năm 2018 bộ phim Vợ ba đã gây tiếng vang nhờ hàng loạt giải thưởng quốc tế mà bộ phim giành được. Phim ra mắt lần đầu tại LHP quốc tế Toronto và giành giài Phim châu Á xuất sắc nhất. 

Sau đó, tác phẩm này tiếp tục giành thêm nhiều giải thưởng khác như giải Đạo diễn trẻ xuất sắc ở LHP quốc tế Chicago (Mỹ), Phim có đóng góp nghệ thuật xuất sắc tại LHP quốc tế Cairo (Ai Cập), Phim truyện xuất sắc tại LHP quốc tế Kolkata (Ấn Độ) trước khi chính thức quay về trình chiếu tại Việt Nam.

Eximbank bất ngờ hoãn Đại hội cổ đông sau khi lộ diện tân Chủ tịch

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam- Eximbank  (mã CK: EIB) vừa phát đi thông tin về việc hoãn tổ chức Đại hội cổ đông 2019 vào ngày 26/5 như thông báo triệu tập trước đó.

“Do Eximbank cần có thêm thời gian để hoàn thiện kỹ lưỡng công tác tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 lần thứ hai được đồng nhất và thành công, do đó ngân hàng quyết định gia hạn ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 lần thứ hai vào một ngày phù hợp trong tháng 06/2019" - thông báo nêu.

Về thời gian tổ chức đại hội và địa điểm của lần thứ hai này, ngân hàng sẽ thông báo sau.

Như Người Đưa Tin đã thông tin, trước đó Eximbank dự định tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2019 vào ngày 26/4/2019, tuy nhiên đại hội đã không thể diễn ra do không đủ túc số cần thiết.

Sau thông báo hoãn, phía ngân hàng ấn định thời gian họp vào ngày 26/5. Tuy nhiên đến nay chỉ còn cách đại hội 3 ngày thì ngân hàng lại thông báo hoãn.

Ông Cao Xuân Ninh (giữa) được bầu làm Chủ tịch HĐQT Eximbank từ ngày 23/5/2019

Trước đó, như báo Người Đưa Tin đã phản ánh, ngày 22/5, Eximbank đã bầu ông Cao Xuân Ninh – Thành viên HĐQT giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI (2015 – 2020) thay cho ông Lê Minh Quốc - Thành viên HĐQT độc lập, nguyên Chủ tịch HĐQT.

Ngoài ra, HĐQT Eximbank cũng đã bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Vinh – Phó Tổng Giám đốc thường trực làm quyền Tổng Giám đốc.

Sau khi từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT, ông Lê Minh Quốc vẫn là thành viên HĐQT độc lập, tiếp tục đóng góp công sức hỗ trợ HĐQT và ngân hàng Eximbank.

Ông Ninh cũng từng là Giám đốc Công ty tài chính Việt Nam tại Hồng Kông – VINAFICO; Phó Trưởng Văn phòng đại diện, Trưởng Văn phòng đại diện - Văn phòng đại diện Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM.

H.Y (tổng hợp)