Sự kiện

Không thể bỏ lỡ: Cán bộ Tỉnh ủy Sóc Trăng trả lại tiền ngân sách lắp camera, Ứng dụng AirVisual đột nhiên “biến mất”

Tin nóng thời sự xã hội ngày 7/10: Cán bộ Tỉnh ủy Sóc Trăng trả lại tiền ngân sách lắp camera; Ứng dụng AirVisual đột nhiên “biến mất”; Kiểm tra sai phạm trong quá trình bổ nhiệm nữ trưởng phòng ở Đắk Lắk; “Xóa” xếp loại trên bằng đại học.

Cán bộ Tỉnh ủy Sóc Trăng trả lại tiền ngân sách lắp camera

Ngày 7/10, lãnh đạo Kho bạc Nhà nước tỉnh Sóc Trăng cho biết, văn phòng Tỉnh ủy Sóc Trăng đã nộp trở lại tài khoản mà trước đây đơn vị này rút để chuyển cho đơn vị thi công, lắp đặt camera nhà riêng 12 cán bộ Ủy viên ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Như thông tin đã đưa, trước đó, Tỉnh ủy Sóc Trăng ra thông cáo báo chí về việc xử lý việc lắp camera an ninh nhà riêng cán bộ trong ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Thông cáo kết luận rằng việc lắp đặt camera an ninh góp phần đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội là chủ trương đúng đắn của tỉnh.

Trong đó, việc giám sát có khu vực nhà riêng các Ủy viên ban Thường vụ Tỉnh ủy gắn với giám sát an ninh lối xóm, cộng đồng. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện đã sai về nguyên tắc, số lượng, nguồn kinh phí.

Do đó, ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng quyết định hủy Quyết định số 1542 ngày 23/4/2019 về việc cấp kinh phí lắp camera. Thu hồi số tiền đã chi lắp đặt camera nhà riêng của 12 cán bộ là trên 882,8 triệu đồng.

Xem thêm: 12 cán bộ ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng trả lại tiền ngân sách lắp camera

Ứng dụng AirVisual đột nhiên “biến mất”

Vào tối 6/10 AirVisual đã bất ngờ biến mất khỏi kho ứng dụng trên điện thoại, người dùng không thể tìm thấy hay tải về từ cửa hàng ứng dụng như trước.

AirVisual là ứng dụng thống kê chỉ số chất lượng không khí của Mỹ (AQI). Ứng dụng thu hút sự quan tâm của người dân Việt vì những ngày gần đây, ứng dụng này cho thấy tình trạng ô nhiễm tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thường trực ở mức cao và nguy hiểm.

Phát ngôn viên của IQAir AirVisual cho biết đã tạm thời gỡ ứng dụng do lượng đánh giá 1 sao dành cho ứng dụng này ở thị trường Việt Nam đã tăng đột biến. Giải thích về vấn đề này, Airvisual đã đăng tải bài viết đính chính về thứ hạng gây tranh cãi của thủ đô thời gian qua.

AirVisual chỉ ra rằng con số cung cấp chỉ mang tính thời điểm, không đại diện cho tình trạng không khí của toàn bộ thành phố. Điều này có nghĩa là thông tin "Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới" hoàn toàn không chính xác.

Xem thêm: Nguyên nhân ứng dụng “hot” AirVisual bỗng dưng "biến mất

Kiểm tra sai phạm trong quá trình bổ nhiệm nữ trưởng phòng ở Đắk Lắk

Ngày 7/10, ông Nguyễn Thượng Hải - Chánh văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ký công văn về phối hợp thông tin việc xử lý vi phạm đối với cán bộ, đảng viên trong vụ bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (SN 1973, tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo) – Trưởng phòng Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk dùng bằng cấp 3 của chị gái.

Nội dung công văn cho biết, sau khi nhận được kết quả thẩm tra của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy đã phối hợp với Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai việc xem xét, kỷ luật bà Sa về mặt Đảng và chính quyền theo thẩm quyền.

Đồng thời, để đảm bảo tính khách quan, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo Văn phòng Tỉnh ủy sớm tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Tổ kiểm tra, rà soát xác định trách nhiệm, sai phạm của các cán bộ, đảng viên có liên quan đến quá trình tuyển dụng, tiếp nhận, thẩm tra, xác minh lý lịch, đề bạt, bổ nhiệm bà Thảo.

Sau khi có kết quả chính thức về giải quyết, xử lý vụ việc, Văn phòng Tỉnh ủy sẽ thông báo tới các cơ quan, đơn vị liên quan, các cơ quan thông tấn, báo chí và cán bộ, đảng viên, nhân dân được biết.

Xen thêm: Thành lập tổ kiểm tra sai phạm trong quá trình bổ nhiệm nữ trưởng phòng sử dụng bằng cấp 3 của chị gái

“Xóa” xếp loại trên bằng đại học

Những ngày qua, dư luận đang quan tâm đến nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học chỉ còn 10 mục; không còn phân loại chính quy hay vừa học vừa làm, loại khá hay giỏi theo dự thảo của bộ GD&ĐT.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam cho rằng chủ trương này là đúng nhưng bộ GD&ĐT đang làm quá vội vàng.

Theo ông Dong, vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ siết chất lượng đào tạo, cho dù đào tạo chính quy hay không chính quy cũng cần chú trọng để có chất lượng thực. Điều quan trọng nhất là chất lượng. Cả hệ chính quy lẫn không chính quy đều phải chấn chỉnh lại.

Việc không ghi xếp loại trên bằng tốt nghiệp cũng là một cách “xóa rào cản”, bởi hiện nay, nhà tuyển dụng không còn căn cứ quá nhiều vào loại bằng để sử dụng nhân lực. Nếu tốt nghiệp loại Khá, Giỏi mà chỉ Khá, Giỏi trên lý thuyết, thiếu kinh nghiệm thực tiễn thì cũng không được nhà tuyển dụng trọng dụng.

Tuy nhiên Phó Chủ tịch hội Khuyến học cho rằng không nên đưa dự thảo một cách nóng vội như vậy. Trước hết, phải giải thích kỹ hội đồng Quốc gia giáo dục, bộ GD&ĐT chủ trương ra sao, đã thảo luận ra sao trong Quốc hội,… để chuẩn bị dư luận, để dư luận có cái nhìn rõ ràng hơn, rồi mới đưa ra dự thảo lấy ý kiến.

Xem thêm: “Xóa” xếp loại trên bằng đại học: "Bộ GD&ĐT quá vội vàng"

Bá Di (T/h)