Đời sống

Tin tức Đời sống 6/11: Làm gì khi bị kiến ba khoang đốt?

Cập nhật tin tức đời sống ngày 6/11: Làm gì khi bị kiến ba khoang đốt; Bé gái mắc tay chân miệng nhịp tim 200 lần mỗi phút...

Làm gì khi bị kiến ba khoang đốt

Bác sĩ Nguyễn Tiến Thành - thành viên Hội Da liễu Việt Nam cho biết, thời gian từ tháng 10 - 11 hàng năm, kiến ba khoang xuất hiện nhiều do vào mùa sinh sản. Không chỉ xuất hiện ở nhà mặt đất, mà ngay cả người dân sống trong các căn hộ chung cư cao tầng cũng có thể bị kiến ba khoang bay vào nhà.

Độc tố trong kiến ba khoang mạnh, mặc dù loài côn trùng này không cắn hoặc chích, chỉ do mọi người vô tình tiếp xúc với kiến ba khoang. Vì vậy, người dân hết sức chú ý trong việc vệ sinh nhà cửa, sử dụng màn khi ngủ.

Theo các chuyên gia da liễu, kiến ba khoang thường bị thu hút bởi ánh sáng đèn điện, nên để tránh kiến ba khoang, người dân nên buông rèm cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa, lỗ thông khí (nhất là nơi ở gần cây cối, cánh đồng…) khi thắp đèn, và phải ngủ trong màn. Bên cạnh đó, thường xuyên vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ, giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng.

Kiến ba khoang có thể xuất hiện quanh năm, nhưng nhiều nhất vẫn là vào mùa mưa, khoảng tháng 6 - tháng 10 hàng năm, vì lúc này chúng cần tìm đến nơi ở khô ráo hơn để sinh sống.

Điều quan trọng là không được để dịch tiết của kiến ba khoang tiếp xúc với cơ thể. Nếu nhìn thấy kiến ba khoang trên người, không nên dùng tay không để đập, mà tốt nhất nên có tờ giấy để kiến ba khoang bò ra giấy, sau đó lấy ra khỏi người.

Nếu lỡ tay đập hoặc chà xát kiến ba khoang trên da, thì phải nhanh chóng rửa sạch nơi tiếp xúc bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý, xà phòng, tránh đưa tay đã tiếp xúc với kiến chạm vào các vùng da khác.

Sau đó đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, không nên tự điều trị để tránh các biến chứng nặng hơn.

Thực tế đã có những bệnh nhân đến bệnh viện khi vết thương bị lở loét do điều trị không đúng cách bằng acyclovir. Một số người còn dùng các loại lá cây để đắp, bôi, khiến tổn thương lan rộng hơn.

Để xử lý nhanh tại nhà cũng như khi vết bỏng rát chưa lan rộng, có thể sử dụng các loại thuốc thoa tại chỗ có chứa hoạt chất kháng viêm như Prednisolone Valerate Acetate giúp làm dịu da, giảm cảm giác ngứa, đau rát…

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân ở những khu vực có sự xuất hiện của kiến ba khoang cần mặc quần áo dài tay, giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng; giữ vệ sinh nhà cửa, môi trường xung quanh sạch sẽ, phòng kiến ba khoang bay vào nhà bằng cách buông rèm cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa, lỗ thông khí, nhất là nơi ở gần cây cối, cánh đồng...; ngủ trong màn/mùng.

Người dân chú ý khi làm việc dưới ánh đèn vì kiến ba khoang rất thích bay đến nơi có đèn sáng, đặc biệt là ánh sáng đèn huỳnh quang.

Bé gái mắc tay chân miệng nhịp tim 200 lần mỗi phút

Ngày 5/11, Bệnh viện Nhi đồng Tp.HCM thông tin, bé gái ngụ Vĩnh Long sốt, nôn ói hai ngày, nổi hồng ban mụn nước ở lòng bàn tay chân. Đến ngày thứ ba, bé giật mình chới với, trợn mắt run chi nên nhập viện địa phương.

Bé không cải thiện, suy hô hấp, được đặt nội khí quản chuyển đến TP HCM. Khi vào viện, bé lơ mơ, nhịp tim tăng nhanh, sốt cao liên tục, men tim và men gan tăng, bác sĩ xác định mắc tay chân miệng độ 4 - độ nặng nhất. Kíp điều trị áp dụng nhiều phương pháp hồi sức tích cực, song tình trạng bệnh vẫn diễn tiến phức tạp, nhịp tim tiếp tục tăng cao, siêu âm tim co bóp kém phân suất tống máu EF còn 25-30% (bình thường 50-70%).

Các bác sĩ hội chẩn, quyết định áp dụng kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO). Sau hai tuần điều trị, sức khỏe bé cải thiện dần, tỉnh táo, cai ECMO, cai máy thở. Bệnh nhi được tiếp tục theo dõi điều trị tích cực.

Bệnh nhi được điều trị tích cực với nhiều phương tiện hỗ trợ như thở máy, lọc máu liên tục, can thiệp ECMO.

Tuần qua, Tp.HCM ghi nhận hơn 1.900 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 14% so với trung bình tháng trước. Năm nay, số ca mắc đạt đỉnh lần thứ nhất vào cuối tháng 7, đầu tháng 8, sau đó giảm dần đến đầu tháng 9 bắt đầu tăng trở lại và tăng mạnh liên tục cho đến nay. Tác nhân chủ yếu gây tay chân miệng năm nay là EV71 - chủng virus gây bệnh nặng, nguy cơ tử vong nhiều hơn.

Bệnh tay chân miệng diễn biến nặng vốn diễn tiến nhanh. Nhiều trẻ mắc tay chân miệng đang tỉnh táo vui chơi thì đột ngột giật mình chới với rồi nhanh chóng diễn tiến suy hô hấp, ngưng thở.

Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh lưu ý phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh tay chân miệng gồm hồng ban, bóng nước lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông và loét họng để đi khám bệnh. Nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có các dấu hiệu nặng gồm: sốt cao liên tục khó hạ, sốt trên hai ngày; nôn ói nhiều; giật mình chới với; run chi, đi đứng loạng choạng; thở mệt; chi lạnh, da nổi bông; co giật, rối loạn tri giác...

Hà Nội tăng thêm 2.590 ca và 107 ổ dịch sốt xuất huyết mới trong tuần qua

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần vừa qua (từ ngày 27/10 đến 3/11), trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.590 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng hơn 10 ca so với tuần trước đó.

Số mắc mới tập trung nhiều nhất ở Hà Đông với 218 ca, tiếp đến là Thanh Oai (162 ca), Phú Xuyên (149 ca), Đống Đa (143 ca)… Các phường, xã có nhiều bệnh nhân mới được phát hiện gồm: phường Dương Nội (quận Hà Đông) và Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) có trên 30 bệnh nhân; xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) và phường Xuân La (quận Tây Hồ) có 25 bệnh nhân; xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) có 24 bệnh nhân…

Cũng trong tuần qua, thành phố ghi nhận thêm 107 ổ dịch SXH mới tại 25 quận, huyện, thị xã, tăng 7 ổ dịch so với tuần trước đó. Các quận huyện có nhiều ổ dịch mới là: Đống Đa, Thanh Trì (12 ổ dịch); Thường Tín (11 ổ dịch); Quốc Oai (8 ổ dịch); Hai Bà Trưng (7 ổ dịch); Bắc Từ Liêm, Hà Đông (6 ổ dịch)…

Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 28.483 trường hợp mắc SXH (tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2022) và 1.661 ổ dịch, hiện còn 231 ổ dịch đang hoạt động.

Trước tình hình dịch SXH vẫn rất “nóng”, trong tuần qua, đoàn kiểm tra của Bộ Y tế đã kiểm tra tại Hà Nội.

Qua kiểm tra, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho rằng, người dân đã có ý thức hơn trong công tác vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt bọ gậy phòng chống SXH. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những ổ bọ gậy tồn tại mà người dân không ngờ đến như lọ cắm hoa, vỏ lon bia, vũng nước nhỏ đọng trong nhà…

Ngành y tế kêu gọi người dân tự triển khai diệt bọ gậy/ lăng quăng ngay tại hộ gia đình mỗi tuần 10 phút bằng cách tự kiểm tra trong và ngoài nhà, phát hiện những ổ nước đọng có bọ gậy để xử lý triệt để.

T.M (tổng hợp)