Tiêu điểm thế giới

Tin nóng thế giới ngày 18/11: Argentina thừa nhận không có khả năng trục vớt tàu ngầm ARA San Juan

Argentina thừa nhận không có khả năng trục vớt tàu ngầm ARA San Juan; Tổng thống Mỹ phủ nhận việc xem xét dẫn độ giáo sỹ Fethullah Gulen… là những tin đáng chú ý đầu ngày 18/11.

Tổng thống Mỹ phủ nhận việc xem xét dẫn độ giáo sỹ Fethullah Gulen. Theo Reuters, ngày 17/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông không cân nhắc việc dẫn độ giáo sỹ Hồi giáo Fethullah Gulen, người đang tị nạn tại Mỹ, về Thổ Nhĩ Kỳ như một phần trong nỗ lực làm giảm sức ép cho Saudi Arabia.

Phát biểu trên được ông Trump đưa ra với báo giới khi được hỏi về khả năng dẫn độ ông Fethullah Gulen, người bị Thổ Nhĩ Kỳ truy nã do cáo buộc ông này liên quan đến âm mưu đảo chính bất thành hồi năm 2016.

Liên quân do Mỹ đứng đầu không kích, nhiều trẻ em thiệt mạng tại Syria. Ngày 17/11, hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria cho biết ít nhất 43 người, hầu hết là dân thường, đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu tại tỉnh Deir Ez-Zor của nước này.

Theo SANA, các cuộc không kích diễn ra vào ngày 16/11 khi máy bay liên quân do Mỹ chỉ huy đã không kích trúng các khu vực đông dân cư tại hai ngôi làng Bu-Badran và Al-Sausa thuộc tỉnh Deir Ez-Zor. Trong số những người thiệt mạng, có 17 nạn nhân là trẻ em, và nhiều phụ nữ.

Argentina thừa nhận không có khả năng trục vớt tàu ngầm ARA San Juan. Ngày 17/11, Bộ trưởng Quốc phòng Argentina Oscar Aguad thừa nhận nước này không có phương tiện kỹ thuật đủ khả năng để trục vớt tàu ngầm ARA San Juan bị mất tích cách đây đúng một năm và vừa được phát hiện nằm tại độ sâu 907m ở vùng biển Đại Tây Dương phía Nam nước này.

Tàu ngầm ARA San Juan được tìm thấy sau một năm mất tích

Phát biểu họp báo, ông Aguad cho biết Argentina không có phương tiện và công nghệ để có thể xuống được độ sâu nơi con tàu được phát hiện, cũng như không có trang thiết bị để có thể trục vớt một tàu ngầm lớn như vậy. Các bước tiếp theo mà Argentina sẽ tiến hành là thu thập thông tin và nghiên cứu xem có thể làm gì với con tàu này.

Ông Tập Cận Bình dự kiến đến Triều Tiên vào năm sau. Ông Tập thông báo với Hàn Quốc về kế hoạch đi Triều Tiên, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một chủ tịch Trung Quốc trong hơn 10 năm.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong việc thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, Kim Eui-kyeom, người phát ngôn của văn phòng tổng thống Hàn Quốc hôm nay cho biết sau cuộc gặp giữa ông Tập với Tổng thống Hàn Moon Jae-in bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Papua New Guinea.

Ông Tập nói với ông Moon rằng ông sẽ "dành thời gian" để thăm Triều Tiên vào năm sau, theo lời mời của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, phát ngôn viên nói thêm.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp kêu gọi người biểu tình kiềm chế. Trước đợt biểu tình quy mô lớn phản đối tăng thuế mặt hàng nhiên liệu tại Pháp, Bộ trưởng nội vụ nước này Christophe Castaner hôm qua đã kêu gọi người biểu tình nên “có trách nhiệm” hơn, đồng thời cảnh báo người lái xe nên thận trọng hơn khi các cuộc biểu tình, phong tỏa nhiều tuyến đường trên khắp cả nước vẫn diễn ra đêm qua.

Ông Castaner cho biết: “Tôi kêu gọi mọi người nên có trách nhiệm. Bởi trong nền dân chủ, các quyền đều luôn được tôn trọng, bao gồm quyền tự do ngôn luận, tự do phản đối và cả quyền được lưu thông nữa. Mọi người cũng nên thận trọng. Khi màn đêm buông xuống, sự mệt mỏi cũng sẽ đến, đặc biệt là với những người lái xe trong ngày hôm nay. Họ nên thận trọng khi mà các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn”.

Đào Vũ (Tổng hợp)