Thế giới

Tín hiệu tích cực từ kinh tế Nhật Bản hậu Covid-19

Nền kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng với tốc độ 2,2% hàng năm trong quý II/2022, tạo động lực cho sự phục hồi bị trì hoãn từ lâu của đất nước sau đại dịch Covid-19.

Nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng quý thứ ba liên tiếp trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6/2022, chính phủ Nhật Bản cho biết trong một báo cáo công bố hôm 15/8.

Theo báo cáo sơ bộ của Văn phòng Nội các, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản đã tăng 2,2% hàng năm trong quý II/2022 khi nền kinh tế số 3 thế giới phục hồi sau những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Trước đó, GDP Nhật Bản chỉ tăng 0,1% trong quý I/2022.

Mức tăng trưởng trong quý II chủ yếu được thúc đẩy bởi sự gia tăng 1,1% trong tiêu dùng tư nhân, chiếm hơn một nửa GDP của Nhật Bản, khi các hoạt động ăn uống, giải trí và du lịch phục hồi sau khi chính phủ nước này dỡ bỏ các biện pháp hạn chế thời đại dịch từ tháng 3.

Kết quả mới nhất có nghĩa là nền kinh tế 542,12 nghìn tỷ Yên (4,07 nghìn tỷ USD) của Nhật Bản hiện đã lớn hơn so với trước khi đại dịch xảy ra.

Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vẫn phải đối mặt với một con đường phục hồi không chắc chắn trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu chậm lại và lạm phát gia tăng, các hạn chế của chuỗi cung ứng, đồng Yên suy yếu và sự gia tăng của số ca nhiễm Covid-19 trong nước, với hơn 200.000 ca được ghi nhận hàng ngày trong những tuần gần đây.

Hồi tháng 7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng của Nhật Bản cho năm 2022 xuống còn 1,7%, giảm so với mức 2,4% trong tháng 4.

Sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản sau đại dịch đã bị tụt hậu so với các nước khác do tiêu thụ yếu, điều này càng trở nên trầm trọng hơn do các biện pháp kiểm soát biên giới đang được áp dụng và các hạn chế về đại dịch trong nước kéo dài cho đến tháng 3.

Sự phục hồi yếu kém đã khiến Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) trở thành một ngoại lệ trên toàn cầu, với việc ngân hàng này tuân theo chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo khi các ngân hàng trung ương khác tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát gia tăng.

Minh Đức (Theo Al Jazeera, Xinhua)