Tài chính - Ngân hàng

"Nhiều đối tượng cho vay ngang hàng để trốn thuế, rửa tiền..."

Đó là nhận định của ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) về hiện tượng cho vay lãi suất cắt cổ, tín dụng đen núp bóng hình thức cho vay trực tuyến, cho vay ngang hàng (P2P lending) gây bức xúc trong xã hội trong thời gian gần đây.

Sáng ngày 26/12/2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị trực tuyến về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các giải pháp góp phần hạn chế tín dụng đen.

Thông qua các báo cáo tham luận tại Hội nghị đã thể hiện ngành Ngân hàng đã và đang quyết liệt tổ chức triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân phục vụ sản xuất - kinh doanh, dịch vụ và đời sống của người dân, doanh nghiệp, nhất là người dân, doanh nghiệp khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đồng thời tích cực phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen.

Thời gian qua, tình hình tín dụng đen diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các khu vực nông thôn, các tỉnh khu vực phía Nam và Tây Nguyên, gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế - xã hội. Điều này cho thấy một thực tế là người dân chưa lường hết được tác hại và vẫn đang tìm đến các hình thức cho vay nặng lãi.

Toàn cảnh hội nghị

Nhận định về vấn đề này, ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho rằng hoạt động P2P ở Việt Nam hiện tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu không được quản lý vận hành tốt, thì P2P không khác gì rủi ro đầu tư tài chính khác như rủi ro tín dụng, rủi ro thông tin, rủi ro phòng chống rửa tiền, rủi ro an ninh mạng, có thể phát sinh bất ổn đến xã hội.  

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Bộ Công an cũng đã cho thấy thực trạng, cách nhận diện tín dụng đen, các khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý, đấu tranh với hoạt động tín dụng đen diễn biễn phức tạp thời gian qua và các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động này.

Bên cạnh đó, đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng thông tin thêm về công tác phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước, của chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, đấu tranh ngăn chặn tín dụng đen…

Theo đại diện NHNN, hiện rất nhiều đối tượng núp bóng P2P để trốn thuế, rửa tiền, huy động tài chính đa cấp khiến người cho vay, đi vay trở thành nạn nhân hành vi lừa đảo, chiếm dụng vốn bất hợp pháp. Bên cạnh đó là hình thức quảng cáo không minh bạch, lãi suất cao phi thực tế, thậm chí, nhiều đối tượng cho vay hoạt động dưới hình thức cầm đồ để cho vay nặng lãi, vượt xa mức trần 20% theo quy định tại Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015 là những vấn đề mà mô hình P2P đang diễn ra.

Đặc biệt, mô hình cho vay ngang hàng mới phát triển trên thế giới trong 1 thập niên trở lại đây với nhiều nền tảng chưa hoàn thiện, nhiều lỗ hổng bảo mật, có thể gây thiệt hại lớn cho các bên tham gia, khung pháp lý tại nhiều quốc gia với hoạt động này buông lỏng quản lý. 

Do thiếu ràng buộc pháp lý, thoả thuận giữa các bên tham gia P2P và tổ chức nền tảng không rõ ràng, chưa có cơ chế giám sát hậu kiểm việc sử dụng vốn vay đúng mục đích người đi vay hay không. Trong hệ sinh thái như vậy, người đi vay đối mặt nhiều rủi ro mất tiền do không thực hiện đúng thoả thuận, lừa đảo, hoặc công ty không thực hiện đúng quy trình định danh và phòng chống rửa tiền, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) chia sẻ về những rủi ro mà các bên tham gia có thể gặp phải khi dùng P2P, 

Đáng chú ý, thông tin cá nhân của các bên tham gia có thể bị đánh cắp do lỗ hổng bảo mật; hệ thống lưu trữ thông tin của Công ty P2P có thể bị chiếm quyền kiểm soát hoặc bị đánh sập bởi hackers dẫn đến toàn bộ thông tin giao dịch của các bên bị mất hoặc xóa.  

Theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, được bổ sung, sửa đổi năm 2017, cá nhân nào lợi dụng các nền tảng P2P để thực hiện một trong các hoạt động ngân hàng mà không được NHNN cấp phép là vi phạm pháp luật. 

NHNN khuyến cáo người dân, trước những rủi ro tiềm ẩn khi tham gia các nền tảng P2P, doanh nghiệp nên tìm hiểu kĩ thông tin, thận trọng khi tham gia các nền tảng P2P lending, NHNN cũng khuyến khích người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn qua kênh tín dụng ngân hàng, chính thống, không bị rơi vào bẫy lừa đảo tín dụng đen.

“Tín dụng đen là một vấn đề mà cả xã hội bức xúc bởi không chỉ gây mất trật tự an toàn tại địa phương mà ảnh hưởng lớn đến xã hội. Việc ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen là trách nhiệm nhiều cấp ngành, trong đó Bộ công an đi đầu, NHNN, các cấp chính quyền... NHNN xác định có trách nhiệm trong triển khai giải pháp của ngành ngân hàng để người dân tiếp cận được nguồn tín dụng chính thức để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh, đời sống hợp pháp hiện nay, đặc biệt vùng nông nghiệp nông thôn khó khăn, người nghèo”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết.

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 116/2018/NĐ-CP và các giải pháp của ngành Ngân hàng góp phần hạn chế tín dụng đen, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú bày tỏ tin tưởng, với nhiều giải pháp mở rộng tín dụng của ngành Ngân hàng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị sẽ góp phần tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn tín dụng đen.