Văn hoá

Tìm về hương vị bình an trong những chén trà ngày Xuân

Hơn 20 năm rong ruổi khắp mọi miền đất nước để tìm hiểu về trà, nghệ nhân Viên Trân gắn bó với những loại trà ngon khắp mọi miền đất nước như để níu kéo hương vị xưa

 

Thưa nghệ nhân Viên Trân, vì đâu bà có sự gắn bó với trà?

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình quý tộc phong kiến, trong một môi trường mà việc uống trà và trà cực ngon, cực thượng hạng là điều không bao giờ thiếu trong nhà.

Bản thân từ bé đã được chứng kiến trà được làm như thế nào, làm sao để cho hương, cho hoa cho thấm vào trà, để trở thành một loại cực phẩm hương trà của miền Nam. Vì thế, từ nhỏ, tôi đã được nuôi dưỡng niềm say mê với các loại trà ướp hương. Tôi coi đó là truyền thống của gia đình.

Đối với tôi, sự sâu sắc và tinh tế của trà đã dạy mình cách lắng nghe cuộc sống. Trà đôi khi chính là cứu cánh của cuộc đời phiền muộn… Chén trà chính là người bạn chân tình nhất, chính là người mình có thể san sẻ nỗi lòng vào trong tách trà.

Đây còn là một kiểu giải buồn rất tốt vì trong chén trà có ấm, có lạnh, có nóng, có thơm và có không thơm, có tàn phai, có nhạt nhòa, và cũng có lúc nó thăng hoa rực rỡ.

Nghệ nhân Viên Trân đã có hơn 20 năm sưu tầm, nghiên cứu về trà Việt.

Theo bà, trong trà Việt có cách pha trà thống nhất không?

Có nhiều người hỏi tôi ở đâu dạy cách pha trà Việt chuẩn nhất, tôi trả lời rằng Việt Nam không có một công thức pha trà nào là chuẩn, người uống thích như thế nào thì pha như thế đó thôi.

Như khi nấu nước pha trà, người Việt đặt ấm lên bếp rồi thảnh thơi làm những việc gì đó, khi nào nước réo lên thì rót ra ấm. Còn trong cách pha trà của một số nước khác, khi nước nấu thì phải ngồi canh chừng và mở nắp ra xem nước sôi mắt cua hay mắt cá để phù hợp với từng loại trà.

Mặt khác, nếu như gia đình nào giàu có thì mua trà ngon giá cao, ấm chén đắt tiền, cách pha, cách uống nhẹ nhàng.

Gia đình trung lưu mua ấm chén rẻ tiền hơn còn gia đình nghèo không có ấm thì pha vào bất cứ dụng cụ nào có thể và uống theo cách mình cho là sảng khoái nhất là được. Do vậy, theo tôi ở Việt Nam không có quy chuẩn nào cho cách pha trà cả, chỉ có cách pha làm sao cho ngon, hợp với khẩu vị mỗi người mà thôi.

Đối với bà, thời điểm nào trong ngày là lúc thích hợp để uống trà?

Một chén trà đặc biệt là một chén trà ướp với hoa mộc vào buổi sáng sớm, trời còn hơi mát mẻ, nắng vừa chiếu ngang tàn cây. Bạn cầm một chén trà hoa mộc, hương thơm nó tỏa lên. Nó tạo ra một cái niềm êm đềm cho buổi sáng đó và nó làm cho bạn cảm thấy cân bằng với suốt cả ngày.

Bạn cứ uống theo cách mình muốn mà đừng để bị tác động bởi suy nghĩ người khác. Nhiều người ngại uống trà buổi sớm, vì cứ sợ không có thời gian. Bạn có thể uống trà lúc vội, nhưng nếu được, nên duy trì mỗi sáng. Đây là một thói quen tốt. Uống trà cũng là lúc ngắm nhìn cuộc sống, để mình được thư giãn, lắng lại.

Thật ra, chỉ cần mươi mười lăm phút cho trà. Thí dụ như nhấm nháp một chén trà ướp với hoa mộc vào buổi sớm, hương thơm tỏa lên mang theo sự êm đềm, góp năng lượng tích cực giúp cho bạn cảm thấy cân bằng, có cảm giác như được thiền nhẹ đầu ngày.

Khi bước chân ra khỏi nhà, đối diện với những vất vả, bận bịu của công việc, cuộc sống, nghĩ về hương trà buổi sáng, dễ gợi cho mình cảm giác bình an, giúp thêm thăng bằng mà xử lý mọi việc thấu đáo hơn, sống trọn một ngày ít hoặc không căng thẳng.

Vậy, đâu là điều đặc biệt trong cách thưởng thức trà của người Việt?

Trong dân gian vẫn truyền đạt câu: nhất thủy, nhì trà, tam pha, tứ ấm, ngũ quần anh (nước, trà, cách pha, ấm chén, bạn uống trà) khi nói về 5 yếu tố để có một bình trà ngon.

Mọi người thường có suy nghĩ khi uống trà là phải đủ khay đủ tách, chén, dĩa, bày biện này nọ cầu kỳ. Rồi mời mọc trang trọng. Là do chúng ta ít tiếp xúc với trà, thấy người khác bày biện cầu kỳ, rồi hình ảnh trên truyền thông thường tô điểm đẹp lung linh, nên nghĩ vậy.

Thực ra người Việt uống trà không cần phải tô vẽ như thế, càng không đặt nặng tính hình thức bề nổi, nếu không muốn nói ngược lại. Ngồi cùng buổi trà với nhau, là lúc ông bà cha mẹ, anh chị em, bạn bè, người thân bên nhau cùng uống trà để tâm tình, kể lể chuyện trò.

Lúc này, người đối ẩm là chính, trà lúc đó chỉ là phụ, nhưng thật cần thiết. Người ta sẽ không bận tâm nhiều đến chuyện trà ngon hay dở, đậm hay nhạt, cách bạn chế, bạn rót ra sao mà sẽ nhớ nhiều về việc mình đã có một người bạn trà như thế nào. Thậm chí từ chuyện bên bàn trà, người ta có thể tìm ra tri kỷ.

Là người miền Nam, chắc hẳn bà có tìm hiểu về sự khác biệt này?

Đúng vậy, cách uống trà của người Việt cũng khác nhau giữa các vùng miền. Người miền Nam uống cả loại trà không ướp hương giống như miền Bắc, nhưng là loại trà qua luộc và sấy.

Cho nên trà xanh của miền Nam không có cái vị đặc trưng hoa lan, không có vị đặc trưng của sương sớm, không có vị đặc trưng của rừng núi giống như trà ở Phú Thọ, trà Hà Giang hay ở Cao Bằng.

Ở trà miền Nam ngược lại có cái gì đó êm đềm, hơi tản mát, hơi nhè nhẹ và dìu dịu. Chính những điều đó làm cho tâm hồn trở nên mềm mại hơn, hơi buồn buồn và hoài cổ, mang cho cho chúng ta chút gì đó xa xôi, viễn mộng.

Trà miền Nam cũng mang trong mình đời sống thăng trầm đi qua cùng lịch sử, cũng có cả một văn hóa, nghệ thuật trà song song với trà miền Bắc. Trà mỗi vùng miền đều có những nét riêng tuyệt vời.

Truyền thống gia đình đã nuôi dưỡng niềm say mê với trà cho nghệ nhân Viên Trân.

Vậy cách uống trà đá của người Tp.HCM có được xem là nghệ thuật uống trà không, thưa bà?

Người Việt uống trà từ Bắc tới Nam nhưng hầu như chỉ ở khu vực phía Nam, bên cạnh việc uống trà quen thuộc, thịnh hành và du nhập nhẹ nhàng đến mức thành phổ biến trong đời sống bình dân nhất, là thức uống trà đá. 

Thời tiết luôn nóng, với rất nhiều người, sau khi ăn bữa cơm bình dân, uống một ly trà đá thì còn gì dễ chịu hơn. Đây là sản phẩm nước sẽ được mọi người hân hoan mời nhau, tặng nhau đằng sau những sản phẩm ăn chính, một cách rất là vui vẻ mà không phải bận tâm điều gì ở cả người mời và được mời vì chi phí quá rẻ.

Gắn bó với trà đã giúp ích cho cuộc sống của bà như thế nào?

Tôi xem trà là người bạn chân thành nhất với mình với những trạng thái uống trà khác nhau. Khi vui, tôi muốn uống trà ướp hương hoa lài.

Khi cảm thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng, nói vui là đương trong cảnh giới thiền, lựa chọn của tôi sẽ uống một loại trà đặc biệt của miền Bắc là trà đọt nõn, không ướp bất cứ hương thơm gì, cho nước vào cũng không đắng, chỉ tỏa vị nhè nhè, mang tới cảm xúc bồng bềnh.

Khi nào thấy thực sự buồn thì sẽ tìm tới trà ướp hương hoa ngâu, liên quan tới tháng Bảy âm lịch mưa ngâu đằng đẵng. Khi nào thực sự mệt mỏi và chẳng muốn nghĩ gì nữa, chỉ muốn nghỉ ngơi thì tôi sẽ uống một ly trà đá để mang tới sự sảng khoái.

Cảm ơn bà!