Đời sống

Tìm thấy "xưởng quần áo" có từ 120.000 năm trước

Các nhà nghiên cứu vừa phát hiện một số chứng cứ lâu đời nhất cho thấy con người đã sản xuất quần áo từ cách đây ít nhất 120.000 năm.

Tiến sĩ Emily Hallett của Viện Max Planck về Khoa học Lịch sử Loài người (Đức), người dẫn đầu nhóm nghiên cứu, cho hay khám phá mới một lần nữa xác nhận quan điểm cho rằng người tiền sử ở châu Phi vô cùng sáng tạo và tháo vát. Đặc biệt việc niên đại của "xưởng sản xuất quần áo" lên tới 120.000 năm thực sự là một bất ngờ.

Theo báo cáo được công bố trên tạp chí iScience, Tiến sĩ Hallett và đồng sự đã rút ra kết luận trên khi phân tích xương động vật tìm thấy bên trong hang Contrebandiers trên bờ Đại Tây Dương của Ma Rốc. Trước đó, các nhà khảo cổ đã tìm được hài cốt người tiền sử trong hang này.

Hang động Contrebandiers, nơi tìm thấy các công cụ bằng xương, xương và da động vật (Ảnh:Contrebandiers).

Ban đầu, nhóm chuyên gia bắt tay nghiên cứu xương động vật vào năm 2012 với mục đích tái tạo chế độ ăn của người tiền sử và xác định liệu có sự thay đổi nào trong bữa ăn của họ khi bắt đầu sử dụng công cụ bằng đá hay không.

Tuy nhiên, họ tìm được hơn 60 mẩu xương trong các lớp đất có niên đại cách đây 90.000 đến 120.000 năm với những dấu hiệu cho thấy chúng được tạo tác thành các công cụ xử lý da thú.

Dù vẫn chưa rõ công dụng của nhiều công cụ trên nhưng nhóm chuyên gia lưu ý có một số công cụ hình cái thìa, phù hợp để cạo và loại bỏ các mô nội liên kết trên da thú trong quá trình xử lý. 

Tiến sĩ Hallett cho rằng đây là các công cụ dùng để xử lý da thú để làm trang phục. Theo nữ tiến sĩ, người Neanderthal ở châu Âu và các loài người cổ đại có lẽ đã làm trang phục từ da động vật hơn 120.000 năm trước. Ba loài động vật được lấy da phổ biến nhất theo tàn tích trong hang động là cáo Ruppell, chó rừng vàng và mèo rừng, đều là những loài cổ đại nhưng có nhiều đặc điểm tương đồng họ hàng hiện đại. 

Các vật liệu hữu cơ như da và lông thú khó có thể tồn tại qua hàng chục ngàn năm, nhưng việc phát hiện ra những công cụ chế tác da thú đã gián tiếp nói về những hoạt động ở thời cổ đại. Một số mẩu xương khác tại địa điểm này cũng cho thấy những vết tích đặc trưng của việc bị lột da.

Phát hiện mới này còn cho thấy một bước tiến hóa lớn của loài người trong quá trình chinh phục những môi trường sống mới. Họ phải đối diện với các điều kiện khí hậu khác nhau, đó có thể là yếu tố kích thích việc sáng tạo ra quần áo và hàng loạt công cụ mới.

Minh Hoa (t/h)