Cộng đồng mạng

Tìm thấy nguyên liệu lạ trong bình thuốc lá 1.000 năm tuổi

Dấu tích về loài cúc vạn thọ Mexico có vẻ như đang "hồi sinh" trong các bình gốm của người Maya cổ.

Nhóm nghiên cứu tại đại học bang Washington phát hiện các bình gốm được chôn tại bán đảo Yucatan, Mexico hơn 1.000 năm trước. Trong các bình có chứa dấu vết hóa học của 2 loại thuốc lá khô đã qua xử lý là: Nicotiana tabacum và nicotiana rustica.

Điều bất ngờ, trong các mẫu vật ấy, nhóm nghiên cứu cho rằng người xưa đã trộn thêm cúc vạn thọ Mexico (Tagetes lucida) trong mẫu vật thu được từ 14 bình gốm Maya nhỏ.

Phát hiện mới cung cấp thêm thông tin về cách người Maya cổ đại sử dụng và điều chế thuốc lá, người Maya thực sự đã biết chế tạo ra những liều thuốc có tác động tới hệ thần kinh trong thời kỳ tiền Colombus.

Một trong số những chiếc bình cổ của người Maya được tìm thấy trên bán đảo Yucatan, Mexico.

Tại châu Mỹ và châu Âu, thuốc lá được sử dụng phổ biến phục vụ cho mục đích y học và tôn giáo. Phương pháp phân tích mới có thể phát hiện hàng nghìn chất chuyển hóa hoặc hợp chất thực vật trong mẫu cặn lấy từ các bình chứa, tẩu thuốc, bát và các vật dụng cổ xưa khác. Các nhà khoa học sau đó có thể dựa vào những chất này để tìm ra loại cây nào được sử dụng.

Năm 2012, nhà khảo cổ học nổi tiếng Zimmermann tham gia khai quật hai trong số 14 bình gốm Maya cổ. Khi đó, một nhà thầu phát hiện dấu vết của nền văn minh Maya trong lúc dọn quang đất để chuẩn bị xây khu nhà mới. Zimmermann tham gia chuyến khai quật do Viện Nhân chủng học và Lịch sử Quốc gia Mexico chỉ đạo. Ông cùng các đồng nghiệp dùng thiết bị GPS để chia khu vực khảo cổ thành ô bàn cờ. Sau đó, họ tìm kiếm những mô đất nhỏ và dấu tích khác của các công trình cổ đại.

Nhóm nghiên cứu tại đại học bang Washington đang trao đổi với một số viện tại Mexico để tiếp cận thêm những vật dụng cổ xưa tại bán đảo Yucatan, qua đó phân tích các mẫu thực vật. Họ cũng đang theo đuổi một dự án khác nhằm nghiên cứu chất hữu cơ đọng lại trong cao răng của người cổ đại.

Nguyên Anh (Tổng hợp)