Cộng đồng mạng

Tìm thấy côn trùng kỳ lạ 151 triệu năm tuổi

Hóa thạch của một loài côn trùng kỳ lạ được đặt tên là Morrisonnepa Jurassica mới được tìm thấy ở Utah, Mỹ.

Các nhà khoa học đã tìm thấy hóa thạch của một loài sinh vật mới thuộc hệ tầng Morrison ở cùng khu vực dãy núi Rocky nổi tiếng là dãy núi khá rộng ở miền Tây Bắc Mỹ. Đây cũng là nơi từng phát hiện hóa thạch các loài khủng long ăn thịt T-rex.

Hệ tầng Morrison được biết đến là một vùng đất địa chất học đặc biệt chứa nhiều loại đá trầm tích từ thời Jura Muộn được tìm thấy ở miền tây nước Mỹ, nơi có nguồn hóa thạch khủng long nhiều nhất ở Bắc Mỹ.

Hóa thạch của sinh vật lạ được thiên nhiên bảo quản hàng trăm triệu năm vẫn giữ được vẻ ngoài gần như hoàn hảo.

Con côn trùng 151 triệu tuổi có vùng bụng và có thể gồm cả vùng đầu dường như có liên quan đến một loài sinh vật nổi tiếng còn tồn tại hiện nay là bọ nước khổng lồ.

Bọ nước khổng lồ thuộc họ Lethocerinae có thể phát triển chiều dài tới 15cm. Vũ khí của loài sinh vật này được chú ý đặc biệt bởi vết cắn chứa nọc độc.

Loài côn trùng hóa thạch mới này thuộc loài săn mồi tương đối lớn, chúng có họ hàng với loài bọ nước có thể tấn công ăn thịt không chỉ các động vật không xương sống khác như ốc sên, động vật giáp xác, động vật có xương sống như cá, lưỡng cư và rắn.

Phát hiện này đồng thời cung cấp các bằng chứng cho thấy các hợp chất hữu cơ được phát hiện trong các sinh vật sống từ vi khuẩn đến con người là cực kỳ ổn định, nhờ đó các nhà khoa học có thể nghiên cứu các loài động vật và thực vật đã chết từ rất lâu.

Trước đấy, các nhà khoa học mới đây phát hiện hóa thạch của loài muỗi hút máu có từ cách đây 46 triệu năm trong một phiến đất sét ở phía tây bắc Montana, Mỹ. Hầu hết các loại hóa thạch côn trùng được tìm thấy trong hổ phách, phần còn sót lại của nhựa cây khô, nơi côn trùng được bảo quản tốt hơn.

Hóa thạch muỗi với cái bụng đầy máu được tìm thấy tại dãy núi hùng vĩ ở bang Montana.

Con muỗi ở tình trạng no căng máu sau khi châm vòi vào một một con chim hoặc một loài động vật có vú, nhưng sau đó không may bị rơi và chìm xuống đáy hồ nước.

Trong khi nghiên cứu, Dale Greenwalt, một nhà nghiên cứu của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia tại Washington, Mỹ, cùng các cộng sự có thể khám phá sâu bên trong của hóa thạch muỗi nhờ các phân tử bismuth, một loại kim loại nặng có thể làm bốc hơi các chất hóa học được tìm thấy trong hóa thạch.

Thông thường, phát hiện về loài côn trùng chết cách đây nhiều năm không hoàn toàn mới lạ. Tuy nhiên, con muỗi được phát hiện không tự phân hủy ngay lập tức sau khi chết mà biến đổi thành hóa thạch và tồn tại trong thời gian dài.

Đoàn Thanh (Nguồn ABC4, LiveScience)