Đời sống

Tìm thấy bằng chứng về việc uống bia ở Trung Quốc cách đây 9.000 năm

Các nhà khảo cổ đã phát hiện những chiếc bình có niên đại 9.000 năm chứa dấu vết của một dạng bia cổ xưa tại thị trấn Qiaotou (Trung Quốc).

Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí PLOS ONE, nhóm chuyên gia đã tiến hành khai quật một gò đất rộng 50 m, dài 80 m, cao 3 m tại thị trấn Qiaotou, thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang. Gò đất được bao quanh bởi một hào nhân tạo rộng 2 m, sâu 15 m.

Tại di chỉ này, họ tìm thấy 2 bộ hài cốt người cùng hàng chục bình gốm với kích thước, hình dạng khác nhau, một số được vẽ và trang trí. Có những đồ gốm nhỏ hình dạng tương tự như các bình uống nước vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay.

Cho rằng những chiếc bình có thể dùng để đựng đồ uống có cồn, nhóm khảo cổ chọn 20 bình và phân tích chất cặn còn sót lại bên trong. Để chắc chắn những thứ tìm thấy không phải do nhiễm bẩn sau hàng nghìn năm, họ so sánh chúng với các mẫu đất lấy ở khu vực xung quanh.

Những bình gốm vẽ trang trí được tìm thấy ở thị trấn Qiaotou. Ảnh: Jiajing Wang

Kết quả, số bình mới khai quật thực sự từng đựng đồ uống có cồn. Nhóm nhà khoa học tìm thấy vết tích của thực vật như phytolith (cấu trúc siêu nhỏ trong mô thực vật), hạt tinh bột và của vi sinh vật như mốc, men, phù hợp với quá trình lên men bia. Các vết tích này không xuất hiện tự nhiên trong đất hay những hiện vật khác.

Theo các nhà nghiên cứu, loại bia cổ này không giống với bia thủ công IPA chúng ta có ngày nay. Thay vào đó, đây có thể là một đồ uống lên men nhẹ với màu đục, vị ngọt. Jiajing Wang, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết loại đồ uống lên men này làm từ lúa (Oryza sp.), ý dĩ (Coix lacryma- jobi) và một số loại củ chưa xác định.

Các tác giả lưu ý nấm mốc được tìm thấy trong loại bia cổ đựng trong bình ở Qiaotou rất giống với nấm mốc được tìm thấy trong men koji được sử dụng để làm rượu sake và các thức uống lên men gạo khác ở Đông Á.

Về mặt kỹ thuật, bia là loại đồ uống lên men được làm từ cây trồng thông qua quy trình chế biến gồm hai bước: đường hóa và lên men. Trong cả hai quá trình, nấm mốc đóng vai trò là tác nhân gây ra quá trình phản ứng hóa học.

"Chúng tôi không rõ 9.000 năm trước, con người tạo ra nấm mốc như thế nào vì quá trình lên men có thể diễn ra tự nhiên. Nếu còn một chút gạo thừa và các hạt bị mốc, có khả năng họ sẽ nhận thấy hạt gạo trở nên ngọt hơn và chứa cồn qua thời gian. Mặc dù người cổ đại không biết về phản ứng hóa sinh của quá trình lên men, nhưng họ đã quan sát và nắm được cách tận dụng nó qua những thử nghiệm và sai lầm”, Wang nói.

Theo các nhà khảo cổ, nhiều khả năng loại bia cổ xưa đựng trong bình ở Qiaotou được dùng trong một nghi thức dành cho người đã khuất.

Các nhà khoa học cho rằng số bia cổ xưa không dùng để uống giải khát. Việc canh tác lúa khi đó vẫn còn sơ khai nên đồ uống này rất khó làm và nhiều khả năng được dành cho những dịp đặc biệt. Trong trường hợp ở Qiaotou, có vẻ bia được dùng cho một nghi lễ dành cho người đã khuất vì nhóm nghiên cứu tìm thấy hai bộ hài cốt và địa điểm khai quật cũng cách xa các khu dân cư.

Minh Hoa (t/h)