Sức khỏe

Tìm cách muối cà pháo ngon qua chỉ dẫn của chuyên gia

Để giúp người tiêu dùng hiểu thêm về một trong những món ăn truyền thống của người Việt là mục đích tại tọa đàm Dưỡng chất từ trái cà pháo và cà pháo lên men.

Ngày 19/4, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức tọa đàm Dưỡng chất từ trái cà pháo và cà pháo lên men với nhiều ý kiến từ nhà nghiên cứu, chuyên gia, nghệ nhân ẩm thực, doanh nghiệp…

Có thể nói, từ xưa đến nay, trên khắp các vùng miền Việt Nam, có không ít loại thực phẩm lên men đã trở thành món ăn được nhiều người nhớ mãi, từ hương vị, cách làm, cách chế biến, như: cà pháo muối, củ kiệu muối, dưa chua muối, ngó sen muối, giá đỗ muối…

Khi xã hội phát triển, dù có nhiều món ngon, vật lạ, nhưng những món muối từ các nông sản, thực phẩm trên vẫn hiện diện trong không ít trên mâm cơm mỗi gia đình người Việt.

Thực tế, ngày nay, dưới sự đầu tư, nghiên cứu, các doanh nghiệp đã phát triển những sản phẩm muối chua trên lên một tầm cao mới, có thể sản xuất nhiều hơn, đa chủng loại hơn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và duy trì được các chất có lợi cho cơ thể.

Tọa đàm Dưỡng chất từ trái cà pháo và cà pháo lên men do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức để giúp người tiêu dùng hiểu thêm về một trong những món ăn truyền thống của người Việt.

Tại tọa đàm, PSG.TS. Trịnh Khánh Sơn, Phó Trưởng Khoa Công nghệ Hoá học và Thực phẩm, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp.HCM cho rằng, cà pháo và nhiều nông sản khác khi lên men mang lại nhiều lợi ích cho người dùng.

“Cà pháo là món ăn có nhiều ý kiến trái chiều khi ăn, người nói tốt, người nói không, là người làm trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, tốt hay không tốt, phải có nghiên, phải có số liệu, phải dựa trên sự lâu đời sản phẩm”, ông Sơn chỉ ra.

Trên phương diện truyền thống, sản phẩm nào lâu đời thường sản phẩm đó tốt nhiều hơn xấu. Vì tốt nên lâu đời, mà cà pháo và những sản phẩm lên men đã có từ xa xưa.

Mặt khác, với những thống kê nghiên cứu khoa học chính thống, cà pháo có những dưỡng chất tốt và cà lên men giúp loại bỏ những chất không tốt trên cà pháo thông qua việc lên men, giúp sản phẩm cà lên men trở thành sản phẩm có lợi cho người sử dụng.

“Giống như hạt đậu nành, khi ăn sống không tốt, nhưng nấu chín và lấy sữa hay lên men làm khuông đậu non lại rất tốt”, PSG.TS. Trịnh Khánh Sơn nói.

Nói về trái cà pháo, và những món ăn liên quan đến cà pháo, nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương cho rằng, quả cà không chỉ là món ăn, mà còn nói lên tình cảm gia đình.

Tuy nhiên, muốn mua được nguyên liệu ngon phải biết xuất xứ từ đâu. Có nguyên liệu ngon còn phải biết kỹ thuật chế biến sao cho âm dương cân bằng, hàn nhiệt phân minh. Cà pháo có thể chế biến thành nhiều món khác nhau: muối chua, muối mặn, làm gỏi, nấu canh, cà um, cà trộn mắm nêm…

“Chọn quả non quá chất dinh dưỡng chưa được tạo thành đầy đủ, hàm lượng tinh bột, đường nhất là xơ chưa đủ thì quả cà sẽ bị mềm ăn không ngon. Già quá sẽ có nhiều hột cứng khó tiêu hoá, ăn sẽ dai vì xơ nhiều, chưa kể chất dinh dưỡng cũng bị giảm sút”, bà Sương chia sẻ.

Món cà pháo muối chua nên dùng nước để muối cà cho nhanh là nước ấm, bởi vi khuẩn lên men chua là vi khuẩn Lactic có nhiệt độ sống thích hợp khoảng 30 độ C. Nếu nước lạnh thì vi khuẩn này sẽ hoạt động chậm, còn nếu nước nóng quá sẽ làm chết vi khuẩn Lactic và sự lên men khó xảy ra.

Bà Sương cũng cho hay, theo kinh nghiệm dân gian khi muối cà pháo thường cho thêm một ít gia vị có tinh dầu thơm như tỏi, riềng,…. Bởi khi dưa cà đã chua thì tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển mà chất kháng sinh có sẵn trong tỏi là alicin sẽ ngăn không cho nấm mốc tự do phát triển.

Vi khuẩn Lactic là loại hô hấp kỵ khí, vì thế khi cho cà vào hũ, chế nước muối ấm vào nó sẽ nổi. Do đó, phải làm sao cho quả cà đừng nổi lên trên mặt nước mà phải chìm dưới mặt nước, không để phản ứng oxy hoá xảy ra làm quả cà bị thâm đen. Đồng thời, tạo điều kiện cho vi khuẩn Lactic hoạt động.