Cuộc sống số

TikTok bị Nghị sĩ Mỹ nghi ngờ là phần mềm gián điệp của Trung Quốc

Hai thượng nghị sĩ Mỹ cho rằng ứng dụng TikTok là "một mối nguy phản gián mà chúng ta không thể ngó lơ". Các thương nghị sĩ này lo ngại rằng ứng dụng trên sẽ thu thập dữ liệu người dùng như vị trí... giao cho phía Trung Quốc.

Theo Digital Trends, TikTok, ứng dụng video của Trung Quốc đang được yêu cầu điều tra bởi hai thượng nghị sĩ Quốc hội Mỹ từ hai đảng khác nhau. Nguyên nhân của yêu cầu này là do họ nghi ngại TikTok là một ứng dụng gián điệp.

Ngày 23/10, Charles E. Schumer, thượng nghị sĩ đảng Dân chủ và Tom Cotton, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã gửi một bức thư cho Joseph Maguire, Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ để yêu cầu điều tra TikTok.

Ứng dụng video TikTok của Trung Quốc bị nghi là phần mềm gián điệp.

Theo Washington Post, hai thượng nghị sĩ cho rằng ứng dụng TikTok là "một mối nguy phản gián mà chúng ta không thể ngó lơ". Các thương nghị sĩ này lo ngại rằng ứng dụng trên sẽ thu thập dữ liệu người dùng như vị trí... giao cho phía Trung Quốc.

Theo luật Trung Quốc, khi bị yêu cầu các nhà cung cấp ứng dụng phải giao dữ liệu cho chính phủ. "Bắt buộc các công ty Trung Quốc hỗ trợ và hợp tác với công việc tình báo được kiểm soát bởi Trung Quốc", Digital Trends dẫn lại luật của Trung Quốc.

Tính tới cuối năm 2018, Tik Tok đã có mặt tại 150 quốc gia và khu vực trên thế giới, cung cấp dịch vụ với 75 loại ngôn ngữ, số người dùng tích cực hàng tháng lên đến 500 triệu người.

Một công ty nghiên cứu thị trường chỉ ra, đến tháng 10/2018, Tik Tok đã vượt qua Instagram của Facebook và vượt qua cả Youtube; trên chợ ứng dụng Google Play, lượt tải về của Tik Tok đứng thứ 6, còn cao hơn so với thứ hạng của Netflix và Amazon.

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế quốc tế Peterson (Peterson Institute for International Economics) từng công bố một báo cáo nghiên cứu cho rằng, Tik Tok được thanh niên các nước yêu thích, sẽ tạo thành ẩn hoạn về an ninh trên toàn cầu. Bởi vì Tik Tok sẽ thu thập dữ liệu người dùng, và sẽ gửi những thông tin này về trụ sở chính ở Trung Quốc, sau đó chính phủ sẽ dùng để tạo ra phần mềm giám sát dễ dàng nhận biết khuôn mặt của người nước ngoài, hoặc từ những dữ liệu được phần mềm thu thập có thể lấy ra được thông tin tình báo quân sự phương Tây.

Báo cáo lấy ví dụ chỉ ra, không ít quân nhân trẻ tuổi của Mỹ đều sẽ dùng Tik Tok để đăng những video ngắn của mình, trong đó có nhiều địa điểm quay video đều là ở trong khu vực quân sự. Do đó, “nếu phần mềm này được sử dụng trên diện rộng, có thể sẽ tạo thành vấn đề giống như Huawei”.

Mặc dù tờ “Hoàn cầu Thời báo” (Global Times) của Trung Quốc đã đăng bài viết phản bác mạnh mẽ, chỉ trích cộng đồng phương Tây là “bá quyền dư luận”, tuy nhiên, tờ Apple Daily đưa tin, nhà nghiên cứu bảo mật máy tính Cheuk Tung Lai thuộc Tổ chức Nghiên cứu Bảo mật thông tin Valkyrie- X (Valkyrie- X Security Research Group) tại Hồng Kông cho rằng, Tik Tok là ứng dụng của Trung Quốc, mặc dù có nhiều máy chủ ở các nước khác, nhưng cuối cùng dữ liệu đều sẽ đồng bộ về Trung Quốc.

Tại Indonesia, tháng 7/2018, chính phủ đã từng cấm tải Tik Tok. Tại Pháp, tháng 11/2018, cảnh sát từng cảnh báo phụ huynh của các thanh thiếu niên, Tik Tok tiềm ẩn nguy hiểm, khiến cho con cái của họ dễ dàng trở thành mục tiêu của những kẻ phạm tội.

Hiếu Nguyễn (Tổng hợp)