Tiêu dùng & Dư luận

Tiêu thụ thanh long khó khăn, nhà vườn, doanh nghiệp như "ngồi trên đống lửa"

Theo Hiệp hội thanh long Bình Thuận, tình hình thu mua rất khó khăn, phần lớn các doanh nghiệp tạm ngưng thu mua, một số ít doanh nghiệp chỉ mua tạm thời để lưu kho.

Tiến thoái lưỡng nan

Diện tích đất trồng cây thanh long ở Bình Thuận chiếm 51% diện tích đất trồng thanh long cả nước. Sản xuất trái vụ 69,8%, chính vụ 30,2%. Tính đến đầu năm 2022, với tổng diện tích 33.115 hecta thanh long đã tiến hành sản xuất và xử lý ra hoa trái vụ, với sản lượng dự kiến khoảng 756.000 tấn mùa trái vụ, ước tính từ nay đến hết mùa trái vụ còn khoảng 300.000 tấn chờ tiêu thụ.

Về tình hình sản xuất, giá thành hiện nay khoảng 10.000đ/kg đối với thanh long trái vụ do chi phí sản xuất quá cao như: phân, thuốc lên giá cao. Vì vậy, với giá bán hiện nay khoảng 2.000đ/kg nông dân lỗ 8.000đ/kg.

Tính đến hết tháng 6/2022 với sản lượng ước tính hết mùa trái vụ của thanh long Bình Thuận là 300.000 tấn thì nông dân sẽ thiệt hại rất lớn. Khổ nỗi, nông dân đang nằm trong vòng lẩn quẩn. Nếu sản xuất mà giá thành quá thấp thì lỗ nặng, còn nếu không sản xuất thì cây bị hư, không sản xuất được cho mùa sau, Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận Vũ Huy Hoàng trăn trở.

Ngươi dân thu hoạch thanh long.

Về chế biến thanh long, toàn tỉnh có 13 cơ sở chế biến thanh long sấy khô, sấy dẻo, nước ép thanh long các loại, rượu thanh long, kẹo thanh long. Tổng năng lực chế biến sản phẩm thanh long khoảng 37.800 tấn/năm, chiếm khoảng 5% tổng sản lượng.

Tình hình xuất khẩu thanh long, toàn tỉnh có khoảng 200 cơ sở thu mua, sơ chế, đóng gói xuất khẩu, sức chứa kho lạnh khoảng 16.000 tấn. Tuy nhiên, các cửa khẩu phía Bắc hiện đang bị ách tắc, tạm ngừng thông quan. Trong khi đó, xuất khẩu bằng đường biển cước phí rất cao, cụ thể, tăng bình quân 400% của cước phí trước đây.

Bên cạnh đó, Trung Quốc với chiến dịch Zero Covid nên hàng đến cảng thông quan rất chậm, làm chất lượng trái bị giảm rất nhiều, thậm chí bị hư hỏng nặng. Nếu không may container hàng đến cảng bị nhiễm Covid thì phải hủy và đồng nghĩa doanh nghiệp sẽ thiệt hại 100%.

Theo Hiệp hội thanh long Bình Thuận, tình hình thu mua rất khó khăn, phần lớn các doanh nghiệp tạm ngưng thu mua, một số ít doanh nghiệp chỉ mua tạm thời để lưu kho nhưng số lượng rất ít.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Vũ Huy Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận thông tin, hiện nay thanh long Bình Thuận đang tồn ở cửa khẩu và trong kho lạnh của các doanh nghiệp khoảng 30.000 tấn, cần sớm được giải quyết trong vòng 15 ngày.

Bên cạnh đó, dự kiến sản lượng thu hoạch của nông dân đến hết tháng 3 là khoảng 100.000 tấn và việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tiêu thụ trái thanh long là điều cần thiết.

Nhà vườn tiêu thụ thanh long ở Bình Thuận.

Trăn trở của doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu

Theo đại diện Công ty Thanh long Thu Hằng, chi phí để đưa thanh long xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng gấp 3 lần so với những năm trước đây thế nhưng khi vận chuyển tới cửa khẩu thì không thể thông quan; điều đó dẫn đến trái hư hỏng, doanh nghiệp thua lỗ nhiều.

Đại diện Công ty Thanh long Thọ Hướng cho biết: thời gian qua, doanh nghiệp vẫn cố gắng để thu mua cho bà con nhưng đến nay rất khó. Sau thời gian các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn ngừng tiếp nhận xe lên cửa khẩu từ ngày 12 đến 15/2. Các đơn vị tiếp tục thu mua, đóng hàng để xuất khẩu thì các cửa khẩu tiếp tục tạm dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả tươi đến ngày 5/3. Vấn đề này làm cho các doanh nghiệp không kịp trở tay.

Ông Hoàng cho biết, sắp tới, Hiệp hội Thanh long sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công Thương và các địa phương để theo dõi, nắm bắt thông tin, tuyên truyền tới các hộ nông dân, cơ sở sản xuất- xuất khẩu, hợp tác xã về tình hình xuất khẩu thanh long và tình trạng ùn ứ, tồn đọng tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc để chủ động trong sản xuất, thu hoạch cũng như có sự phối hợp trong việc điều tiết, vận chuyển thanh long lên các cửa khẩu hợp lý.

Ngoài ra, Hiệp hội Thanh long sẽ xây dựng phương án, kế hoạch kết nối, tiếp tục tìm kiếm thị trường, mở rộng tiêu thụ.