Giáo dục

Tiêu chí chọn điểm 10 cho đầu vào: Sẽ xuất hiện chạy điểm, áp lực đè lên vai của học sinh

Theo các chuyên gia giáo dục, việc xét tuyển vào cấp 2 với học bạ toàn điểm 10 của trường chuyên Amsterdam là tiêu chí rất cứng và ngặt. Điều này sẽ dễ xuất hiện chạy điểm, áp lực đè lên vai nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh.

Mới đây, chia sẻ tại cuộc họp giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chiều 16/4, ông Phạm Văn Đại - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - cho biết: Học sinh Hà Nội muốn thi vào lớp 6 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam phải lọt qua vòng hồ sơ dự tuyển hết sức ngặt nghèo, trong đó điều kiện học bạ của thí sinh phải đạt yêu cầu toàn điểm 10.

Những năm gần đây, vấn nạn bệnh thành tích luôn tồn tại trong ngành giáo dục Việt Nam, mặc dù bộ GD&ĐT đã đưa ra rất nhiều chỉ đạo và giải pháp nhưng vẫn không thể giải quyết triệt để được vấn đề nhức nhối này. Việc học bạ yêu cầu toàn điểm 10 để được vào trường chuyên như thế được đánh giá là quá sức với học sinh, đặc biệt là các em cấp tiểu học.

Trao đổi với PV Báo Người Đưa Tin về vấn đề này, TS. Lê Viết Khuyến - Nguyên Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học cho biết: “Theo tôi thấy, nếu xét về điều kiện phổ thông của nền giáo dục Việt Nam thì hiện nay chưa phù hợp, cũng như chưa có cơ chế kiểm định để đánh giá chất lượng đào tạo của tất cả các trường. Cho nên việc đánh giá mức độ trên thang điểm ở các trường, nhất là các trường tiểu học, trường trung học hoàn toàn khác nhau.

Nếu đưa ra tiêu chuẩn cứng tất cả điểm 10 như thế theo tôi không hợp lý, điều này sẽ dẫn tới các hệ quả, các trường tiểu học sẽ chạy theo thành tích, nên tôi nghĩ đầu vào nếu thi thì nên linh động một chút, là có thể lấy kết quả từ kỳ thi trực tiếp, căn cứ vào học bạ thì nên chỉ là một phần nhỏ thôi".

TS. Lê Viết Khuyến.

“Việc xét tuyển vào cấp 2 với học bạ toàn điểm 10 của trường chuyên Amsterdam, đây là quy định riêng của mình trường đó, nếu xét về lý bản thân tôi cũng khó hiểu tại sao họ có thể đưa ra quy định như vậy đối với cấp trung học, và hơn nữa đây là một tiêu chí rất cứng và ngặt, với tình hình giáo dục Việt Nam hiện nay, tôi nhắc lại lần nữa là không phù hợp, không chặt chẽ”. TS. Khuyến lý giải thêm.

“Chuyện không hợp lý này sẽ hệ lụy rất lớn đối với không chỉ một trường mà rất nhiều trường, bệnh thành tích sẽ xảy ra. Người ta sẽ chạy và xin điểm, áp lực đè lên vai cả nhà trường, giáo viên, phụ huynh, nặng nhất chính là các em học sinh. Phụ huynh sẽ đè nặng lên vai con mình, ép con mình học để bằng “con nhà người ta”, giáo viên cũng sẽ ép học sinh chạy đua theo những gì trên đè xuống để có thành tích tốt. Tuy nhiên, mục tiêu chọn ra học sinh xuất sắc sẽ không phải dễ dàng có thể đạt được. Không nên áp đặt con cái nặng quá trong việc bắt buộc phải đạt được điểm tuyệt đối”, ông Khuyến nói.

Đề ra giải pháp cần thiết cho vấn đề áp lực này, TS. Khuyến cho biết: “Hiện nay, xu hướng cải cách của bộ GD&DT đã đưa ra, xu hướng đánh giá đào tạo không phải tiếp cận học tập theo nội dung mà chuyển tiếp cận qua năng lực, nếu các em học sinh có năng lực như thế nào thì nên cố gắng để các em học tập theo khả năng của các em như thế, chứ đừng chạy theo mốt chung của xã hội, ví dụ như thấy con nhà người khác đi học nhạc, học vẽ, thì cũng bắt con mình đi học như thế, cái đấy không nên, vì mỗi cháu có một năng khiếu khác nhau. Nếu phụ huynh không phát hiện được, thì nên nhờ đến chuyên gia tư vấn, nhờ đến giáo viên hỗ trợ để có thể giúp các con phát triển một cách tự nhiên nhất”.