Quân sự

Tiết lộ về những vũ khí "kỳ lạ nhất" mà Nga thu được của khủng bố IS ở Syria

Bên cạnh chiếc xe tăng "cổ xưa" của Anh, súng trường của Đức từ Thế chiến II, bất ngờ lớn nhất mà IS sở hữu ở Syria là loại vũ khí đến từ Trung Quốc.

Những vũ khí "cổ xưa" nhất của người Anh cũng được IS sử dụng.

Từ trước đến nay, các tổ chức khủng bố vẫn được biết đến là lấy vũ khí trên thị trường chợ đen hoặc thu thập ở các nước thứ ba. Cũng chính vì điều này mà người ta phát hiện thấy có cả vũ khí của các quốc gia như Anh, Đức và thậm chí là Trung Quốc trong “bộ sưu tập” của những kẻ cực đoan ở Syria.

Mới đây, tại công viên Patriot bên ngoài Thủ đô Moscow, quân đội Nga đã mở một triển lãm độc đáo về những vũ khí bất thường nhất được thu giữ từ những kẻ khủng bố trong cuộc chiến ở Syria.

Xe tăng Anh

Trong cuộc tấn công vũ trang vào tháng 11/2015 tại tỉnh Latakia, quân đội Syria – dưới sự hỗ trợ của Nga - đã đối mặt với một chiếc xe tăng có hình dáng kỳ lạ. Sau khi tung ra hỏa lực dữ dội và giành chiến thắng, quân đội Chính phủ đã quyết định kiểm tra “con quái vật đặc biệt” này ra sao.

Hóa ra đó là một chiếc xe tăng Centurion MK 3 cũ của Anh, phổ biến vào đầu thập niên 1950. Điều đáng ngạc nhiên nhất là người Anh đã thiết kế vũ khí này trong Thế chiến II. Ai nghĩ được rằng một lần nữa nó lại tham chiến ở Trung Đông 70 năm sau đó?

Centurion MK được trang bị nòng pháo 83,8 mm và được sản xuất một loạt 700 chiếc. Vũ khí này đã dành toàn bộ sự nghiệp "quân sự" trong nhiều cuộc xung đột Ả Rập-Israel ở Trung Đông.

Theo Vadim Kozyulin, một giáo sư tại học viện Khoa học Quân sự Nga, các chiến binh khủng bố có thể đã mua, lấy trộm hoặc thu được mẫu xe tăng này ở gần Jordan, nơi có khoảng 300 chiếc Centurion MK 3 trong số 700 chiếc nguyên mẫu.

Súng trường Đức

Súng trường StG 44 Sturmgewehr.

Một chiến lợi phẩm thú vị khác mà Nga thu được ở Syria là khẩu súng trường StG 44 Sturmgewehr của Đức, được sử dụng bởi quân đội Đức Quốc xã trong Thế chiến II.

Lô súng đầu tiên được tìm thấy là vào đầu năm 2016, tại một nhà kho vũ khí ở ngoại ô Damascus. Tuy nhiên, sau đó nó đã bị các chiến binh chiếm lại từ các kho quân đội của Syria. Trong đó, có khoảng 5.000 khẩu StG 44 Sturmgewehr đã bị khủng bố chiếm đoạt và phân phát lại cho nhau.

Quân đội Nga thậm chí còn gặp phải những khẩu súng của Đức được “chế” lại để lắp thêm các phụ kiện khác như ngắm, tay cầm và thêm cả phóng lựu tự chế.

Một trong những thông số kỹ thuật đặc thù nhất của StG 44 Sturmgewehr là sử dụng cỡ đạn 7,92x33 mm mà ngành công nghiệp quốc phòng Đức đã không còn sản xuất sau Thế chiến II.

Theo chuyên gia Kozyulin, các chiến binh khủng bố có được loại đạn này bằng hai cách: Thu được từ chính nhà kho nơi cất súng hoặc bằng “tự sản xuất”.

Vũ khí “bất ngờ” từ Trung Quốc

Tên lửa phòng không vác vai được coi là "ác mộng" của Nga ở Syria.

Vũ khí Anh và Đức có thể là một bất ngờ, nhưng không thể so sánh được với sự bất ngờ đến từ việc vũ khí Trung Quốc cũng được sử dụng bởi một số chiến binh IS.

Về cơ bản, vũ khí cũ kỹ của Anh và Đức có thể gây khó chịu nhưng không tạo nên sát thương vượt trội. Lực lượng Nga được trang bị tốt hơn và không sợ những khẩu súng gỉ sét.

Tuy nhiên, tên lửa phòng không vác vai FN-6 của Trung Quốc lại là một cơn ác mộng thực sự đối với quân đội Nga. Vào ngày 3/2/2018, tại tỉnh Idlib, các chiến binh IS được cho là đã sử dụng loại vũ khí này để bắn hạ tiêm kích Su-25 của Nga.

“Làm thế nào loại vũ khí này lại nằm trong tay các chiến binh? Đơn giản. Đây là phiên bản xuất khẩu của mẫu HY-6 MPADS có thể được tìm thấy trên toàn thế giới, bao gồm Campuchia, Peru, Pakistan, vv... Nhiều khả năng vũ khí này đã theo chân các chiến binh từ phương Đông đến Trung Đông”, chuyên gia Kozyulin phỏng đoán.

Tên lửa phòng không vác vai của Trung Quốc đặc biệt hiệu quả khi chống lại các mục tiêu bay thấp ở độ cao lên đến 3,5 km. Nói cách khác, nó là vũ khí hoàn hảo để chống lại trực thăng và máy bay chiến đấu cuả quân đội Nga.

Các chuyên gia khẳng định, các hệ thống tên lửa phòng không di động luôn đặt ra một trong những mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với lực lượng vũ trang của Nga ở Syria.