Tài chính - Ngân hàng

Tiết lộ đặc biệt về chồng chưa cưới của Á hậu Thanh Tú: Từ cậu bé bán kem đến ông chủ Kangaroo thành đạt

Chồng chưa cưới của nàng Á hậu sinh năm 1994 là đại gia hơn cô 16 tuổi – doanh nhân Nguyễn Thành Phương - CEO của thương hiệu máy lọc nước nổi tiếng Kangaroo. Ít ai biết rằng vị đại gia thành đạt từng xuất thân là cậu bé bán kem.

Doanh nhân Nguyễn Thành Phương, sinh năm 1978, được xem là một trong số những CEO trẻ thành công và được giới trẻ rất mến mộ.

Thế nhưng để có ngày hôm nay, ông đã trải qua tuổi thơ nhiều khó khăn: 13 tuổi đã phải phụ mẹ đi bán kem, bán nước mắm để gửi tiền cho hai anh đang học trung cấp xây dựng nên ông thấm thía cái giá của sức lao động.

Vào đại học (đại học Quản lý và Kinh doanh), Nguyễn Thành Phương lặn lội cùng bạn làm đủ nghề kiếm sống và luôn nung nấu mục tiêu kinh doanh làm giàu. Ông thành lập công ty đầu tiên với số vốn ban đầu 13 triệu đồng.

Chân dung chồng đại gia vừa giàu vừa giỏi của Á hậu Thanh Tú

Doanh nhân này chia sẻ, một lần đến nhà anh bạn người Trung Quốc, ông chú ý ngay chiếc bình đun nước nóng lạnh tự động. Chủ nhà đưa tay bật công tắc, 3 phút sau có nước nóng, pha trà cực ngon.

Khi về đến nhà, Phương nghe mẹ nói đứa cháu làm đổ phích nước, chân bị bỏng. Anh vừa nhìn thấy cái tiện ích của bình đun nước nóng lạnh, giờ lại chứng kiến cái bất cập của phích nước thường. Trong đầu chàng trai trẻ nảy sinh một ý tưởng kinh doanh. Đó là những năm 2000, khái niệm nước tinh khiết còn lạ với người dân.

“Ý tưởng kinh doanh này ban đầu bị phản đối dữ dội vì sản phẩm quá xa lạ và giá thành cao, nhưng tôi quyết tâm khai phá” – ông Phương chia sẻ.

Nghĩ là làm, cùng với người bạn thân, chàng sinh viên Phương bắt tay vào thành lập công ty Điện lạnh điện máy. Công ty chỉ có 2 nhân viên phân công nhau thâm nhập, tìm hiểu thị trường, biết rằng trong nước mới có 12 hãng bình nước, trong khi đó muốn đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng phải cần tới 70 hãng. Với số vốn 148 triệu đồng, hơn nửa trong số đó là tiền đi vay, Phương cho nhập thử 1 container hơn 200 chiếc.

Anh kể đó là thời gian đầu những năm 2000, làm giám đốc nhưng những ngày đầu phải chạy... xe ôm (trực tiếp chở hàng), có trụ sở rồi mà đâu dám in card giám đốc, ai hỏi thì bảo mình là nhân viên, Phó phòng kinh doanh.

Cũng trong thời gian này, anh Phương chuyển sang kinh doanh, sản xuất máy lọc nước. Với phương thức kinh doanh OEM (sản xuất theo thiết bị gốc), anh đã cho nhập linh kiện từ các đối tác nước ngoài về sản xuất máy lọc nước mang thương hiệu Kangaroo của riêng mình.

Lúc này, Kangaroo chỉ sản xuất 2 sản phẩm là cây nước nóng lạnh và bình lọc nước màu vân gỗ. Giá bán mỗi sản phẩm là 2-3 triệu đồng. Với mức giá đó, suốt một thời gian dài Kangaroo không tiếp cận được thị trường khó tính là Hà Nội.

Phương phải đem máy lọc nước đi lắp miễn phí tại các siêu thị điện máy, các trung tâm và điểm bán hàng để người dân dùng thử. “Phải mất nửa năm cho việc dùng thử, đến năm 2005, tình hình mới có chút khả quan”, ông chia sẻ.

Những năm sau đó, ông cũng hoàn thành luận án Tiến sĩ tại Malaysia.

Năm 2017, hôn phu của Á hậu Thanh Tú tiếp tục cùng một số đối tác thành lập ra công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu công nghệ cao và hiện đang giữ vai trò Tổng Giám đốc của công ty này.

Ông chủ Kangaroo có quan điểm kinh doanh khá lạ khi chủ trương không đi theo một chiến lược dài hơi có sẵn mà đi đến đâu vạch đến đó. Theo ông Phương, chiến lược này đòi hỏi doanh nghiệp không đối đầu mà phải luôn đi trước đón đầu thị trường bằng cách tự tìm ra đại dương xanh cho mình. Chẳng hạn, khi có nhiều người sản xuất máy lọc nước, doanh nghiệp của ông sẽ tung ra dòng sản phẩm có thể lọc được thạch tín, một chất hóa học có thể gây chết người. “Phải tìm cách đi trước hoặc đi qua nhau mới phát triển được", doanh nhân Nguyễn Thành Phương tiết lộ "bí quyết" thành công.

Năm 2013, khi thông tin về khuẩn amip ăn thịt người gây hoang mang dư luận, Kangaroo tung ra thị trường dòng máy lọc nước RO, có thể loại bỏ virus amip và thạch tín, bổ sung thêm dưỡng chất cho nước. Ông Phương cho biết chỉ trong ngày đầu tung hàng ra thị trường, lượng hàng xuất kho đã lên đến 20.000 sản phẩm với giá từ 4-6 triệu đồng/sản phẩm. Tính ra, chỉ trong 1 ngày Kangaroo mang về doanh thu khoảng 100 tỷ đồng.

Hiện nay thương hiệu con chuột túi đang đẫn đầu ngành hàng gia dụng tại Việt Nam, với gần 1.000 nhân viên, hệ thống 4.000 đại lý phân phối, với 350 model sản phẩm, nhà máy sản xuất hàng gia dụng lớn nhất VN là những thành tích đầy ấn tượng của tập đoàn Kangaroo trong chặng đường 10 năm phát triển (2003 - 2013).

Khi được hỏi về quan điểm kinh doanh, vị CEO tài giỏi này cho biết, trong kinh doanh, nhiều bạn trẻ thường dùng từ đánh bại đơn vị này, đối thủ kia, đặt họ trong tình thế đối đầu, cạnh tranh. Bạn nên từ bỏ ý nghĩ đó, phải coi đối thủ cùng lĩnh vực là bạn, từ xa xưa các cụ đã nói “buôn có bạn, bán có phường” là vì thế.

Tuy nhiên, để đứng vững được, các bạn phải có lối đi riêng. Để vào thị trường cung cấp thiết bị quạt gió, tôi không sản xuất quạt mát như các Cty trước đã thành công mà chọn làm quạt hơi nước, quạt không cánh để tạo thị trường mới.

“Nếu chỉ nghĩ tới đối đầu, bạn sẽ không bao giờ phát triển vượt trội, không phát huy hết được khả năng của mình” – vị hôn phu nàng Á hậu chia sẻ.