Hồ sơ điều tra

Tiết lộ bất ngờ về “ông trùm” đường dây đánh bạc 14 nghìn tỷ đồng

Bộ Công an vừa phối hợp với Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) triệt phá đường dây đánh bạc quy mô lớn với số tiền giao dịch ước tính gần 14 nghìn tỷ đồng.

Liên quan đến vụ đánh bạc quy mô 14.000 tỷ vừa bị triệt phá, ngày 8/11, Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho biết, đơn vị đang mở rộng điều tra vụ án. Đối tượng Phạm Công Anh (SN 1979, quê Lạng Sơn) được xác định là kẻ cầm đầu. Ngoài Công Anh, hai đồng phạm giữ vai trò chỉ đạo trực tiếp 42 cấp dưới là Hoàng Mạnh Lâm (SN 1987) và Đinh Văn Hoàng (SN 1985).

Theo đại diện Công an huyện Gia Lâm, Phạm Công Anh mới chỉ học hết lớp 5. Đối tượng này tự học các chiêu trò trên mạng xã hội rồi lập ra trang web boc.fan cung cấp các dịch vụ trò chơi trực tuyến đổi thưởng có tính chất cờ bạc như: Tiến lên miền Nam, Pocker, quay hũ, tài xỉu, xóc đĩa, bắn cá…

Ngoài ra, Phạm Công Anh còn mang 1 tiền án về tội Cố ý gây thương tích. Với tội danh này, năm 2004, Anh đã bị cơ quan chức năng tuyên án 4 năm tù giam.

Cơ quan điều tra điều tra cũng cho biết, mặc dù điều hành đường dây đánh bạc nghìn tỷ và có nhiều “xế sang” nhưng để che mắt lực lượng chức năng Công Anh lại chỉ chọn taxi làm phương tiện di chuyển.

Để thể hiện lối sống xa hoa một cách "kín đáo", Công Anh còn thuê 2 người làm đầu bếp phục vụ việc ăn uống, sinh hoạt của hắn và các nhân viên.

"Ông trùm” đường dây đánh bạc 14.000 tỷ từng có vợ và 4 người con. Sau khi chia tay vợ, Công Anh có quan hệ tình cảm với một phụ nữ khác. Người này sắp sinh đứa con thứ 5 cho đối tượng.

Các đối tượng liên quan đến đường dây đánh bạc nghìn tỷ bị bắt.

Qua đấu tranh, ban đầu các đối tượng đã khai nhận hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên trang web boc.fan. Phạm Công Anh và các đồng phạm sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để che giấu hành vi phạm tội như: che giấu thông tin máy chủ, sử dụng nhiều sim điện thoại "rác", tài khoản ngân hàng "ảo".

Người chơi đăng ký tài khoản tại trang web boc.fan hoặc trang web tai.boc.fan. Sau khi đăng ký tài khoản, người chơi đăng ký số điện thoại nhận mã OTP bảo mật để có thể chuyển tiền ảo (xu) sang tài khoản ngân hàng, sau đó mua tiền ảo (xu) thông qua nạp mã thẻ của điện thoại tại các nhà mạng viễn thông (Vinaphone, Mobifone, Viettel) hoặc liên hệ với các đại lý có trong danh sách để chuyển tiền thông qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử. Khi đại lý nhận được tiền từ người chơi qua tài khoản ngân hàng sẽ chuyển lượng tiền xu tương ứng vào tài khoản người chơi.

Trước đó, vào khoảng 16h, ngày 4/11, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) phối hợp với Công an huyện Gia Lâm huy động gần 200 cán bộ, chiến sĩ triển khai 15 tổ công tác đồng loạt khám xét khẩn cấp các địa điểm tại Hà Nội, Lạng Sơn, Phú Quốc - Kiên Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên là nơi ở của các đối tượng và triệu tập, làm việc với 23 đối tượng. Hiện 14 đối tượng liên quan bị tạm giữ.

Cơ quan điều tra thu giữ 4 xe ô tô, trong đó có xe Mercedes Maybach cùng hàng chục máy tính, điện thoại, thẻ ngân hàng…

Các nghi phạm trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ, cùng những chiếc ô tô sang bị thu giữ.

Công an huyện Gia Lâm cho biết, từ tháng 7/2020 đến nay, ước tính lượng tiền đánh bạc qua hệ thống khoảng 14.000 tỷ đồng, mỗi ngày 30 tỷ đồng.

Vẫn theo Công an huyện Gia Lâm, đây là đường dây đánh bạc có quy mô đặc biệt lớn, hoạt động liên tỉnh. Nhiều đối tượng trong đường dây là thành phần cộm cán, kinh doanh tài chính (tín dụng đen) cho vay lãi nặng…

“Khó khăn trong công tác điều tra là các đối tượng sử dụng số điện thoại rác, tài khoản giả, không chính chủ đăng ký bằng chứng minh thư và số điện thoại trôi nổi hoặc mua, xin lại của người khác” - một cán bộ điều tra cho hay.

Ngoài ra, các đối tượng tổ chức đánh bạc và đánh bạc dùng thủ đoạn như sử dụng máy tính, điện thoại nhỏ gọn để thường xuyên di chuyển địa điểm tránh bị phát hiện...

Quốc Tiệp (theo báo báo Phụ nữ Việt Nam, Giáo dục & Thời đại, Tiền phong)