Tài chính - Ngân hàng

Tiết lộ bất ngờ từ người sáng lập doanh nghiệp vốn “khủng” bậc nhất Việt Nam

Cổ đông đăng ký góp 30% vốn doanh nghiệp 144.000 tỷ chia sẻ: "‘Chúng nó" mở công ty để kêu gọi vốn đầu tư từ bên ngoài. Cứ kê thế cho oai chứ làm gì có đồng nào mà góp vốn."

Như Người Đưa Tin đã thông tin, trong ngày 17/1/2020, có một doanh nghiệp đã đăng ký thành lập với vốn điều lệ lên đến 144.000 tỷ đồng, tương đương 6,3 tỷ USD.

Được biết, doanh nghiệp này là CTCP Tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC (USC Interco) có địa chỉ tại số 10, ngõ 234 đường thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội. Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Trần Gia Phong (SN 1979).

Cận cảnh trụ sở DN hàng trăm nghìn tỷ, hơn cả vốn 4 ngân hàng "Big 4" gộp lại. Ảnh: Tuổi trẻ

Ngoài ông Phong, công ty còn hai cổ đông khác là bà Kim Thị Phương (đăng ký góp 43.200 tỷ đồng, sở hữu 30%, bằng tỷ lệ sở hữu của ông Phong) và ông Nguyễn Hoàn Sơn đăng ký góp 57.600 tỷ đồng, tương ứng sở hữu 40% cổ phần.

Sáng 26/2, PV BizLive tới địa chỉ trên để tìm hiểu thì được biết địa chỉ đăng ký kinh doanh là một ngôi nhà nằm sâu trong ngõ. PV tìm gặp ông Trần Gia Phong nhưng không thành, đồng thời số điện thoại trong bản đăng ký kinh doanh cũng không liên lạc được.

Bất ngờ hơn, trao đổi với báo Tuổi trẻ, một trong ba cổ đông đăng ký góp 144.000 tỷ đồng lập Công ty CP tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ, thương mại USC cho biết phải chạy ăn từng bữa và chẳng có đồng nào để góp vốn vào công ty.

Giải thích việc trở thành cổ đông đăng ký góp 43.200 tỷ vào Công ty CP tư vấn đầu tư quốc tế và du lịch, thương mại ÚC - "siêu" doanh nghiệp có vốn lớn bậc nhất Việt Nam, “cổ đông” này phân trần: "Tôi nghĩ cứ nói mồm với nhau, lập công ty làm được thì làm không làm được thì thôi chứ mình có mất gì đâu. Chỉ biết “chúng nó” rủ ba chị em mở công ty, mượn địa điểm nhà mình làm trụ sở chứ có biết gì đâu”.

Bà Kim Thị Phương kể khi 3 mẹ con đang dọn bể nước thì nhận được thông tin bà là người tham gia góp vốn hàng chục nghìn tỷ thành lập công ty. Sau đó, điện thoại của bà tới tấp các cuộc gọi. Bà cảm thấy sợ khi có người tìm đến nhà, có cả người đến hỏi dò mua đất trong xóm.

Cũng chia sẻ với báo Tuổi trẻ, người này cho biết bản thân không hề phải đi đăng ký, có người cầm CMND của bà này và mang hồ sơ về bảo bà này ký vào.

Một "cổ đông" của công ty hàng trăm nghìn tỷ chia sẻ với báo Tuổi trẻ

Bà này cho biết thêm gia đình chủ yếu trông chờ vào tiền kiếm được từ việc làm đại lý phân phối nước khoáng từ trường cho Công ty CP nước CNA:

"Ăn bữa nay lo bữa mai, ruộng vườn không có lấy đâu ra tiền mà góp vốn kinh doanh. Có ai gọi nước khoáng tôi ship cho họ. Mọi thu nhập của gia đình đều trông vào việc làm đại lý phân phối, buôn bán nước khoáng từ trường."

Bà P. cũng cho biết thêm đến nay chưa góp vốn đồng nào vào công ty. Tiền ăn, nuôi con còn không đủ lấy đâu ra nghìn tỷ để góp.

"Thực sự, tôi cũng chẳng biết đăng ký công ty như thế nào. Nếu phải đóng tiền thì còn để ý chứ đây chưa góp đồng nào. Cũng chẳng có tiền mà góp, căn nhà (nhà số 10 ngõ 234 đường thôn Lai Xá làm trụ sở công ty -PV) ông chồng cắm sổ còn chưa có tiền chuộc lại!"

Ngõ 234 đường thôn Lai Xá dẫn vào trụ sở DN "khủng". Ảnh: BizLive

Về hai cổ đông còn lại của Công ty CP tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ, thương mại USC, bà P. cho biết ông S. làm cùng công ty nước khoáng, ông P. làm nghề buôn gỗ:

"Chúng nó" mở công ty để kêu gọi vốn đầu tư từ bên ngoài. Cứ kê thế cho oai chứ làm gì có đồng nào mà góp vốn."

Trao đổi với Zing, người này cho biết hai cổ đông còn lại của công ty cổ phần USC không có nhà cửa rộng rãi và không có nhiều tiền. Nhà ông P. nằm trong một con ngõ bé, từ đê đi xuống ở xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, trong khi ông S. thuê trọ trên đường Bưởi, quận Cầu Giấy.

Trả lời báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Hữu Cương, Chủ tịch UBND xã Kim Chung cho biết sau khi tiếp nhận được thông tin từ báo chí, UBND huyện có chỉ đạo xác minh thông tin.

Và ngay trong ngày 26/2, xã đã cử cán bộ công an đi xác minh cụ thể vụ việc để tránh ảnh hưởng tới người dân trong làng xóm.

Hiện tại, top 3 doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với 281.500 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với 205.390 tỷ đồng, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel là 141.000 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực ngân hàng, tổng vốn điều lệ của nhóm "Big 4" gồm Agribank, Vietinbank, Vietcombank và BIDV là khoảng 139.000 tỷ đồng. Cụ thể, vốn điều lệ Agribank là 30.500 tỷ đồng, BIDV là 34.200 tỷ đồng, Vietcombank là 37.100 tỷ đồng và Vietinbank là trên 37.000 tỷ đồng.

Điều 24, Nghị định 50 năm 2016 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực Kế hoạch và đầu tư quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

Đồng thời, buộc đăng ký lại các thông tin doanh nghiệp kê khai không trung thực, không chính xác.

Hiếu Nguyễn (Tổng hợp)