Đối thoại

Tiếp tục tiếp thu giải trình dự Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Sáng 12/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến lần 2 về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Phát biểu điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại phiên họp thứ 29 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Sau phiên họp, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã tích cực làm việc một số cơ quan liên quan để rà soát, tiếp thu ý kiến Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện dự thảo Luật.

Quang cảnh phiên họp (Ảnh: Quochoi.vn).

Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sau khi tiếp thu giải trình gồm 15 chương và 210 điều, tăng 10 điều so với dự thảo Luật trình tại Kỳ họp thứ 6.

Tại cuộc họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tập tập trung cho ý kiến về một số nội dung bao gồm: Điều 159, Về các biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng được can thiệp sớm; Về hiệu lực thi hành, khoản 1 Điều 209; về quy định chuyển tiếp đối với một số nội dung của Nghị quyết số 42 thể hiện tại khoản 6 và khoản 7 Điều 210; về đánh giá tác động.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp (Ảnh: Quochoi.vn).

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận; đại diện Chính phủ báo cáo làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung thảo luận.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) (Ảnh: Quochoi.vn).

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã thảo luận qua 2 kỳ họp của Quốc hội, song vẫn còn một số vấn đề chưa đạt được sự đồng thuận cao.

Vì vậy, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội quyết định chưa thông qua dự thảo luật này bởi đây là luật khó, liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, có tác động lớn đến nền kinh tế và đời sống của người dân, cần áp dụng quy trình đặc biệt, chưa có tiền lệ để xem xét thật thấu đáo mọi mặt.

Quyết định này của Quốc hội nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của dư luận xã hội, thể hiện tinh thần cẩn trọng, có trách nhiệm của Quốc hội trong hoạt động lập pháp, luôn đề cao chất lượng, hiệu quả, không chạy theo số lượng và tiến độ.