Giáo dục

Tiếp tục tiến hành thẩm định sách giáo khoa cấp THCS và THPT

Việc thẩm định đảm bảo đúng lộ trình và quy định của Bộ GD&ĐT đáp ứng yêu cầu đề ra của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa thông báo về việc tổ chức thẩm định sách giáo khoa cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của các tổ chức, cá nhân.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân đề nghị thẩm định sách giáo khoa đăng ký số lượng, tên bản mẫu sách giáo khoa của môn học, hoạt động giáo dục cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông về Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 20/3 (qua Vụ Giáo dục trung học).

Số lượng bản mẫu sách giáo khoa của mỗi môn học, hoạt động giáo dục được đăng ký là căn cứ để Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận hồ sơ đề nghị thẩm định bản mẫu sách giáo khoa.

Hồ sơ đề nghị thẩm định sách giáo khoa thực hiện theo quy định, gồm: Số lượng bản mẫu sách giáo khoa; thuyết minh về bản mẫu sách giáo khoa đề nghị thẩm định; quá trình, kết quả thực nghiệm; việc tiếp thu các ý kiến nhận xét, đánh giá bản mẫu sách giáo khoa của các nhà khoa học, nhà giáo dục, giáo viên; bản phân phối chương trình. Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, mỗi bản mẫu sách giáo khoa đề nghị thẩm định nộp 15 bộ hồ sơ.

Thời gian tiếp nhận hồ sơ thẩm định sách giáo khoa cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ 9h đến 11h ngày 28/6/2024.

Chương trình giáo dục phổ thông được thực hiện theo lộ trình như sau: Từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1; từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; từ năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Song hành với Chương trình giáo dục phổ thông mới, Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội khuyến khích xã hội hoá biên soạn sách giáo khoa, một chương trình có nhiều bộ sách.