Toàn cảnh

Tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”, dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 khoảng 6 - 6,5%

Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan với dịch bệnh. Tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao nhất, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh.

Tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”

Chính phủ vừa ban hành nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020.

Chính phủ thống nhất đánh giá: Với quyết tâm cao và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch covid-19; đồng thời thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát tốt; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng chỉ còn 3,96% (chỉ tiêu Quốc hội giao là dưới 4%). Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, bị ảnh hưởng bởi những rủi ro, thách thức từ cả bên trong và bên ngoài. Tình hình dịch covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Căng thẳng thương mại vẫn leo thang; cạnh tranh địa chính trị phức tạp. Dự báo khả năng phục hồi của kinh tế thế giới chậm, có thể có những bất ổn về tài chính, tiền tệ toàn cầu. Trong nước, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là những lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, lưu trú, dịch vụ ăn uống. Nguy cơ người lao động thất nghiệp, thiếu việc làm, giảm sâu thu nhập gia tăng mạnh

Chính phủ yêu cầu tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch (Ảnh minh họa)

Thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan với dịch bệnh, kiên quyết ngăn chặn các nguồn lây, khoanh vùng dập dịch; tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao nhất; vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh.

Trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, nhất là các bộ, cơ quan tổng hợp điều phối quản lý kinh tế vĩ mô, tiếp tục nhất quán quan điểm chỉ đạo điều hành giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; có cơ chế, giải pháp, chính sách phù hợp kích thích mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, tranh thủ và tận dụng tốt các cơ hội để phục hồi nhanh và phát triển bền vững các hoạt động kinh tế, xã hội. Thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân, đặc biệt là dòng vốn đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển. Đồng thời, khắc phục hiệu quả những hạn chế, tồn tại, đổi mới cách thức quản trị để thích ứng với tình hình mới; tập trung thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi số quốc gia, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương để phát triển kinh tế số, tạo bứt phá.

Chú trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn là trụ đỡ của kinh tế trong khó khăn; nâng cao nội lực của thị trường nội địa, đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế tự chủ, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và chuỗi cung ứng ngoài nước. Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, hỗ trợ, phát triển các loại hình doanh nghiệp, trong đó quan tâm đến các doanh nghiệp lớn, đầu đàn có khả năng dẫn dắt và lan tỏa, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.

Dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 khoảng 6 - 6,5%

Về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Chính phủ giao bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát, hoàn thiện các kịch bản tăng trưởng và phương án chỉ đạo điều hành đến cuối năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại cuộc họp và ý kiến tham gia bằng văn bản của các bộ, cơ quan liên quan, hoàn thiện báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, trong đó dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 khoảng 6 - 6,5%. Trên cơ sở đó, ban Cán sự đảng bộ Kế hoạch và Đầu tư trình ban Cán sự đảng Chính phủ xem xét, cho ý kiến trước khi báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương theo quy định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các bộ, ngành nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Ban Chấp hành Trung ương để hoàn thiện Báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ duyệt; trên cơ sở đó giao Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo quy định.

Về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Chính phủ thống nhất giao bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với bộ Tài chính rà soát, tổng hợp phương án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Riêng số vốn năm 2020 do các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đề nghị chuyển trả, bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chủ trì, phối hợp với bộ Tài chính rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 25/9/2020 để đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư năm 2020.

Về thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn các năm 2018, 2019 đã được kéo dài sang năm 2020, Chính phủ thống nhất cho phép các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương được giải ngân toàn bộ số kế hoạch đầu tư vốn các năm 2018, 2019 đã được kéo dài sang năm 2020 đến hết ngày 31/12/2020.

Về thời gian phân bổ kế hoạch vốn năm 2020 còn lại chưa được giao chi tiết cho từng dự án, Chính phủ thống nhất thời hạn các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 cho các dự án đến ngày 30/9/2020. Sau thời hạn này, giao bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với bộ Tài chính rà soát số kế hoạch vốn đầu tư năm 2020 chưa giao chi tiết của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, tổng hợp chung trong phương án cắt giảm, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo quy định tại Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thu hồi, điều chuyển cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương khác có nhu cầu bổ sung vốn và giải ngân tốt.

Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác để vừa hỗ trợ kích thích nền kinh tế, vừa bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, đề xuất các chính sách thuế, phí hỗ trợ cho doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của đại dịch covid-19; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp nộp thuế; cùng các bộ, ngành, địa phương tăng cường triển khai các biện pháp chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, rà soát thu hồi nợ đọng thuế.

Hương Lan