Sự kiện

Tiếp tục phát hiện nhiều khu rừng phòng hộ ở Thanh Hóa bị lâm tặc “xẻ thịt”

Sau loạt bài điều tra của Người Đưa Tin Pháp Luật phản ánh tình trạng phá rừng phòng hộ ở huyện Thường Xuân, Chi cục kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa và chính quyền địa phương vào cuộc xác minh và kết luận, phản ánh là có cơ sở. Nhưng, huyện Thường Xuân cho rằng, việc cây rừng bị chặt phá trái phép “không nhiều như Báo đưa tin”. Mở rộng điều tra, PV tiếp tục phát hiện nhiều cánh rừng khác tại địa phương này bị “xẻ thịt”, nhưng chưa được phát hiện, kiểm tra, lập hồ sơ xử lý.

Người Đưa Tin Pháp Luật vừa có loạt bài điều tra phản ánh tình trạng, rừng phòng hộ được giao cho các hộ gia đình (chủ tịch UBND và cán bộ địa chính xã) quản lý, chăm sóc và bảo vệ tại xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) bị lâm tặc chặt phá trong thời gian gần đây.

Sau khi báo đăng, Chi cục kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa đã cử ngay một tổ công tác, phối hợp với Hạt Kiểm lâm Thường Xuân và UBND xã Xuân Chinh, dưới sự phối hợp, dẫn đường của PV trực tiếp đi kiểm tra hiện trường, kiểm đếm số cây gỗ rừng bị phá, lập hồ sơ xử lý.

Ngày 22/5, ông Đỗ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân đã thay mặt thay mặt chủ tịch huyện ký Văn bản số 230/BC – UBND, báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh phản ánh của báo chí về khai thác rừng tại xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở NN&PTNT, Tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa …

Cây gỗ rừng bị chặt hạ tại tiểu khu 561, xã Xuân Chinh chỉ được lực lượng chức năng kiểm tra, lập hồ sơ xử lý sau khi báo phản ánh.

Trong văn bản này, UBND huyện Thường Xuân cho hay, việc Báo phản ánh tình trạng khai thác gỗ trái phép tại thôn Tú Ạc, xã Xuân Chinh là “có cơ sở”; đồng thời cảm ơn PV và Báo đã sâu sát cơ sở, phản ánh tình trạng an ninh rừng trên địa bàn, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương đề cao vai trò, trách nhiệm trong quản lý bảo vệ rừng.

Tuy nhiên, huyện Thường Xuân lại khẳng định: “Số cây bị khai thác trái pháp luật không nhiều như báo đưa tin và đã được Hạt kiểm lâm, UBND xã Xuân Chinh chủ động phát hiện, lập hồ sơ từ ngày 14/3/2020 và gỗ đã được tịch thu nhập tài sản nhà nước ngày 19/4/2020”.

Tuy nhiên, ngay sau khi báo phản ánh, PV đã phối hợp, dẫn đường cho đoàn công tác của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa và huyện Thường Xuân đi kiểm ra rừng bị phá.

Tại hiện trường, lãnh đạo Hạt kiểm lâm huyện Thường Xuân và xã Xuân Chinh đều thừa nhận, nhiều cây gỗ rừng bị chặt hạ trái phép, nhưng chưa được kiểm đếm, đánh dấu, lập hồ sơ và một khối lượng lớn gỗ đang nằm tại rừng.

Nhưng không hiểu vì sao, văn bản của UBND huyện Thường Xuân lại khẳng định “Số cây bị khai thác trái pháp luật không nhiều như báo đưa tin và đã được Hạt kiểm lâm, UBND xã Xuân Chinh chủ động phát hiện, lập hồ sơ từ ngày 14/3/2020 và gỗ đã được tịch thu nhập tài sản nhà nước ngày 19/4/2020” (!?)

Với quan điểm muốn phản ánh thông tin đầy đủ, khách quan, trung thực tới bạn đọc, giúp chính quyền, lực lượng kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa và huyện Thường Xuân làm tốt hơn nữa công tác quản lý và bảo vệ rừng,kiểm tra, xử lý triệt để vấn nạn phá rừng phòng hộ tại xã Xuân Chinh, ngày 24/5, PV tiếp tục thâm nhập thưc tế, điều tra mở rộng diện tích rừng bị phá.

Gỗ tại những rừng phòng hộ khác ở xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân bị chặt phá sau khi mở rộng điều tra.

Kết quả ghi nhận bất ngờ khi nhiều khu rừng phòng hộ tại địa bàn xã Xuân Chinh cũng bị xẻ thịt thời gian gần đây. Mức độ và tính chất không thua gì những cánh rừng báo đã phản ánh và UBND huyện Thường Xuân có văn bản phản hồi trước đó. Số cây gỗ bị chặt hạ phần lớn đã được cưa xẻ đưa ra ngoài, nhiều cây khác được cắt khúc bị bỏ lại rừng.

Quan sát vết cưa, nhựa mủ chảy tại gốc cây và những con đường mòn được lâm tặc tạo ra, dùng để kéo gỗ thì có thể phán đoán những cách rừng này mới bị chặt hạ gần đây.

Điều đáng nói là số cây gỗ bị “xẻ thịt” trái phép đến thời điểm PV phát hiện, ghi lại hình ảnh thì vẫn chưa được chính quyền địa phương, lực lượng kiểm tra kiểm tra, phát hiện, đánh dấu và lập hồ sơ xử lý.

Ông Phạm Thăng Long – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Thường Xuân cho biết, tiếp nhận thông tin của PV phản ánh, đơn vị sẽ cho kiểm tra, làm rõ và xử lý. Sau khi tiếp nhận thông tin, tối cùng ngày một lãnh đạo Hạt kiểm lâm Thường Xuân cho biết, mở rộng kiểm tra, kiểm lâm huyện đã phát hiện ra khu vực rừng bị chặt phá do PV cung cấp.

Sau đây là những hình ảnh những cánh rừng phòng hộ khác tại xã Xuân Chinh bị "xẻ thịt" do PV ghi nhận sau khi mở rộng điều tra.

Sau khi đốn hạ, cây gỗ rừng này được xẻ làm cột nhà.
Quan sát thức tế rừng bị "xẻ thịt" khác xa hoàn toàn với báo cáo của UBND huyện Thường Xuân gửi cơ quan chức năng và báo với nội dung: "“Số cây bị khai thác trái pháp luật không nhiều như báo đưa tin và đã được Hạt kiểm lâm, UBND xã Xuân Chinh chủ động phát hiện, lập hồ sơ từ ngày 14/3/2020 và gỗ đã được tịch thu nhập tài sản nhà nước ngày 19/4/2020”.

Cây rừng còn trơ lại gốc dưới bàn tay "triệt hạ" của lâm tặc.

Đường kính gốc cây này hơn 50cm, nhưng bị lâm tặc chặt hạ không thương tiếc.

Ngổn ngang gỗ rừng tại một khu rừng phòng hộ ở xã Xuân Chinh.

Cận cảnh một gốc gỗ còn tươi mới sau khi bị chặt hạ.

Gỗ chưa kịp vận chuyển ra ngoài, đang nằm tại gốc cây ở trong rừng.

Một đoạn thước bị sét rỉ của lâm tặc bỏ lại sau khi chặt xong gỗ.

Đây là một cây gỗ khác bị lâm tặc "xẻ thịt" nhưng chưa được kiểm tra, đánh dấu và lập hồ sơ xử lý.
Nhìn vào gốc cây, người am hiểu về gỗ phán đoán cây gỗ này phải trên 20 năm tuổi.
Đây là những gì con lại của cây gỗ tự nhiện hàng chục năm tuổi trong rừng phòng hộ tại xã Xuân Chinh.

Nhìn vết cắt ở các khúc gỗ này thì có thể phán đoán việc phá rừng xảy ra cách đây không lâu.

Một cây gỗ rừng bị chặt ha, nhưng chưa kịp vận chuyển đi tiêu thụ.

Lâm tặc làm cả "đường ray" để kéo gỗ ra ngoài.

Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh diễn biến thông tin về vụ việc!