Giáo dục

Tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức về giáo dục đại học

Đó là nội dung được đề cập đến tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học mới khối giáo dục đại học diễn ra tại Tp.HCM.

Cần hỗ trợ về chính sách tài chính

Tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, cho biết, năm học 2022-2023, giáo dục đại học có nhiều kết quả mới, tích cực, khắc phục được một số hạn chế, điều này khẳng định nỗ lực của cả hệ thống.

Ông đánh giá: “Bộ tiên phong đổi mới rất nhiều, thực hiện đổi mới các trường tuy có vất vả nhưng ủng hộ, những cái mới tốt cho hệ thống, các trường tự chủ nhiều hơn, thực hiện dễ dàng hơn”.

Tuy nhiên, theo ông Tú, hiện phần lớn các trường đại học đã thực hiện tự chủ đại học nhưng cần sự hỗ trợ từ Bộ GD&ĐT.

Ông Tú kiến nghị chính sách hỗ trợ các trường, đặc biệt là chính sách về tài chính. "Những trường mới tự chủ gần đây, tôi biết có nhiều trường rất khó khăn. Vì vậy, mong Bộ GD&ĐT tiếp tục đề xuất Nhà nước, Chính phủ có thêm chính sách tài chính cho các trường này", GS Tú nêu đề xuất tại hội nghị.

GS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội nêu ý kiến tại hội nghị. (Ảnh: NL).

Ngoài ra, GS Tú cũng chia sẻ thêm, hiện nay, trong các trường đại học, sinh viên chính quy chỉ tính cho sinh viên chứ không tính học viên sau đại học.

Tại Trường Đại học Y Hà Nội, hiện số học viên sau đại học bằng sinh viên đại học, nhưng học viên sau đại học không được tính sinh viên chính quy.  Nên điều chỉnh thông tư cho phép quy đổi học viên thạc sĩ thành sinh viên chính quy để phù hợp hơn.

Ông Tú cũng đề xuất, hiện có nhiều quy định liên quan ngành y, tồn tại một số điểm cần tháo gỡ cho ngành y thực hiện nhiệm vụ tốt hơn, ví dụ, đào tạo thạc sĩ ứng dụng…

Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT cho biết, qua báo cáo tổng kết năm học 2023-2024 của Bộ GD&ĐT cho thấy, báo cáo vẫn còn tập trung nhiều vào tuyển sinh  đầu vào, mà trong báo cáo thậm chí không có số liệu đầu ra như năm rồi tốt nghiệp bao nhiêu, so với năm trước thế nào….

"Nói gì thì nói vẫn phải quan tâm tới đầu ra. Bao nhiêu người rời bỏ hệ thống, không thể tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Đặc biệt khi đã có hệ thống Hemis quản lý chặt chẽ đến từng người học", ông Tùng nói. 

Liên quan nhiệm vụ năm học 2023-2024, ông Tùng  đề nghị cần có thêm đánh giá về kết quả đổi mới, sáng tạo, vấn đề khởi nghiệp, đóng góp của giáo dục đại học với sự phát triển bền vững của địa phương, khu vực, đất nước.

“Ngay cả bảng xếp hạng của các tổ chức lớn về giáo dục đại học đếu nhắc đến vấn đề này. Đây là vai trò của đại học trong bối cảnh mới”, ông Tùng cho biết.

Ông Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc Trường Đại học Đà Nẵng chia sẻ ý kiến tại hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Lành).

Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng Lê Quang Sơn, đồng thời nhắc tới cơ chế tài chính cho giáo dục đại học với chia sẻ “Không có đầu tư thích đáng không thể nâng cao chất lượng đào tạo. Không có nguồn lực thì làm việc sẽ chỉ theo kiểu mở rộng mà không thể đào sâu”.

Ông Sơn còn đề cập tới cơ chế phối hợp giữa các trường đại học với các Bộ, ngành, viện nghiên cứu để sử dụng nguồn lực chung, bởi thực tế nhiều thầy cô có đề tài nghiên cứu, mong muốn nghiên cứu nhưng không có nguồn lực để nghiên cứu…

Tuyển sinh đại học chưa công bằng giữa các phương thức

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, một số cơ sở đào tạo chưa thực hiện đúng các quy định trong việc bảo đảm các điều kiện mở ngành, điều kiện hoạt động của ngành đào tạo, xác định chỉ tiêu tuyển sinh liên kết đào tạo (trong và ngoài nước).

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chủ trì hội nghị.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, các trường ĐH phải phân tích dữ liệu tuyển sinh 2 năm qua, cùng kết quả học tập của các em khi vào trường.

Từ đó, đánh giá việc đưa ra phương thức tuyển sinh, các tổ hợp xét tuyển đã phù hợp, người học được tuyển chọn theo các phương thức phải đảm bảo công bằng.

Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, có lẽ điểm yếu lớn nhất trong kỳ tuyển sinh năm 2023, là giữa các phương thức tuyển sinh chưa đảm bảo công bằng nhất định.

Nhiều thí sinh được xác định trúng tuyển sớm, có lẽ là dễ dãi hơn việc trúng tuyển bằng các kỳ thi năng lực và kỳ tốt nghiệp THPT.

Ông Sơn cho biết thêm: "Quy chế đã nói rất rõ, các trường ĐH có trách nhiệm giải trình về việc đưa ra yêu cầu cho phương thức tuyển sinh… Một số cơ sở đào tạo sử dụng kết hợp nhiều phương thức tuyển sinh với mục đích tăng khả năng tuyển được, chủ động thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh mà chưa chú trọng vào yêu cầu chất lượng và sự công bằng giữa các phương thức xét tuyển. Một tỷ lệ không nhỏ cơ sở đào tạo tuyển chưa đạt 50% chỉ tiêu".

Ông Sơn cũng cho rằng, thực tế, việc triển khai đào tạo giáo viên theo Nghị định 116, đào tạo tiến sĩ cho giảng viên theo đề án 89 còn gặp khó khăn từ khâu giao, thực hiện chỉ tiêu và cấp kinh phí, chưa đạt được mục tiêu và kỳ vọng.

Nguyễn Lành