Góc nhìn luật gia

Tiền thai sản có phải đóng thuế thu nhập cá nhân không?

Có khá nhiều khoản từ tiền lương, tiền công, tiền trợ cấp… người lao động phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Liệu tiền chế độ thai sản có nằm trong danh sách này?

Cách tính tiền thai sản

Nhằm bảo vệ sức khỏe và thu nhập cho lao động nữ khi thực hiện thiên chức làm mẹ, pháp luật tạo điều kiện tối đa để lao động nữ được hưởng trọn quyền lợi này bằng việc được nghỉ làm và nhận tiền thai sản.

Lao động nữ được nghỉ sinh con 6 tháng, trường hợp sinh đôi trở lên thì từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng.

Lưu ý, trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con.

Nếu con từ 2 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 2 tháng tính từ ngày con chết và thời gian này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng.

Trường hợp mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật.

Theo Điều 38 luật Bảo hiểm xã hội, lao động nữ sinh con được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con.

Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.

Theo đó, mức lương cơ sở được lấy làm căn cứ để tính tiền trợ cấp một lần khi sinh con.

Hiện nay, mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng. Do đó, mức trợ cấp một lần khi sinh còn là: 1,49 triệu đồng x 2 = 2,96 triệu đồng.

Về tiền thai sản trong thời gian nghỉ sinh, Điều 39 luật Bảo hiểm xã hội chỉ rõ: Mức hưởng chế độ thai sản mỗi tháng của lao động nữ sinh con bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Trường hợp người lao động đóng BHXH chưa đủ 6 tháng thì mức hưởng là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng BHXH.

Chế độ thai sản của chồng

Để chăm sóc tốt nhất cho đứa con của mình, pháp luật cũng tạo điều kiện cho lao động nam được hưởng chế độ khi vợ sinh con.

Theo khoản 2 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, trong 30 ngày đầu kể từ ngày người vợ sinh con, người chồng được nghỉ từ 5 đến 14 ngày làm việc.

5 ngày nếu sinh thường; 7 ngày nếu sinh mổ, sinh dưới 32 tuần tuổi; 10 ngày nếu sinh đôi; sinh ba trở lên thì cứ mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày; 14 ngày nếu sinh đôi trở lên mà phải mổ.

Trợ cấp một lần = Mức lương cơ sở x 2 (tức 2,96 triệu đồng)

Khoản trợ cấp này áp dụng trong trường hợp sinh con nhưng chỉ có người chồng tham gia BHXH và đã đóng đủ từ 6 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi người vợ sinh (Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và điểm a khoản 2 Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH).

Theo điểm b khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, tiền thai sản của chồng khi vợ sinh con được xác định bằng công thức:

Mức hưởng = Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng trước khi nghỉ việc : 24 x số ngày nghỉ

Tiền thai sản có phải đóng thuế thu nhập cá nhân?

Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công phải chịu thuế TNCN bao gồm:

- Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.

- Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp sau:

Thứ nhất, phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm.

Thứ hai, phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực.

Thứ ba, trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con, mức hưởng chế độ thai sản, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác…

Với quy định này, có thể thấy, khoản thu nhập từ tiền chế độ thai sản không phải chịu thuế thu nhập cá nhân.

H.M