Hồ sơ doanh nghiệp

Người cựu chiến binh và tham vọng nghìn tỷ cùng Tiên Sơn Thanh Hoá

Dự kiến từ nay tới quý I/2023, Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa sẽ phát hành thêm 65 triệu cổ phần theo mệnh giá để tăng vốn điều lệ lên trên 1.288 tỷ đồng.

Con đường phát triển của Tiên Sơn Thanh Hoá và người cựu chiến binh dám đương đầu thách thức

Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa (Công ty Tiên Sơn) có địa chỉ số 9 KCN Bắc Sơn, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, tiền thân là công ty TNHH Tiên Sơn Thanh Hóa, được thành lập từ 1995 gắn liền với tên tuổi của một cựu chiến binh, doanh nhân Trịnh Xuân Lâm (hiện là Chủ tịch HĐQT). Qua 26 năm liên tục thay đổi và phát triển với con số ban đầu chỉ 550 triệu đồng và 10 lao động, tới nay, vốn điều lệ của công ty đạt trên 648 tỷ đồng cùng hàng nghìn lao động, hoạt động trên nhiều lĩnh vực.

Để đạt được quy mô phát triển như ngày nay, công ty với sự lãnh đạo của cựu chiến binh, doanh nhân Trịnh Xuân Lâm đã có những thay đổi táo bạo.

Theo đó, công ty trong hành trình lớn mạnh của mình đã có 9 lần điều chỉnh tăng vốn điều lệ. gắn liền với những dấu mốc này là những thay đổi mang tính chiến lược trong đường hướng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này mang đậm dấu ấn của doanh nhân Trịnh Xuân Lâm.

Cụ thể, từ doanh nghiệp kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ, thu mua phế liệu, mở thêm mảng vận tải rồi thành lập xưởng sản xuất đóng kẻ giấy tạo công ăn việc làm cho con em Hội cựu chiến binh. Qua gần 10 năm phát triển ban đầu, công ty đã dần dịch chuyển hướng sang sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu và tới năm 2003, 1.000 sản phẩm thủ công mỹ nghệ của công ty đã xuất khẩu sang thị trường Úc, thời điểm này cũng đánh dấu thay đổi lần đầu tiên của vốn điều lệ công ty, khi tăng từ 550 triệu lên 5,8 tỷ đồng.  

Tới năm 2004, căn cứ thực tế kinh doanh, vốn điều lệ công ty tiếp tục tăng lên 10,8 tỷ, khi xưởng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu đi vào hoạt động với 150.000 sản phẩm mỗi năm. Trong giai đoạn 2006 - 2008 đánh dấu bước chuyển của công ty vào lĩnh vực may mặc với việc mua lại và mở rộng nhà máy may Sơn Hà, ở giai đoạn này vốn điều lệ của công ty tăng đáng kể lên 36 tỷ đồng.

Giai đoạn từ năm 2008 tới 2014, đánh dấu sự phát triển của công ty Tiên Sơn trong lĩnh vực dệt may xuất khẩu với việc xây dựng loạt nhà máy và xí nghiệp. Trong năm 2014, công ty Tiên Sơn chính thức chuyển đổi từ mô hình công ty TNHH sang cổ phần, vốn điều lệ lúc này đã lên tới 348 tỷ đồng.

Trong năm 2021, công ty đánh dấu sự phát triển bằng việc niêm yết và giao dịch cổ phiếu công ty (mã AAT) tại sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) ngày 24/3. Đồng thời, công ty Tiên Sơn đã phát hành riêng lẻ thành công 25 triệu cổ phần nâng vốn điều lệ lên trên 648 tỷ đồng và hướng tới xu hướng kinh doanh mới là mua bán bất động sản công nghiệp làm chủ đạo bằng việc xây dựng lắp đặt hoàn chỉnh các nhà máy may cho thuê, bán lại hoặc mua lại các nhà máy khác.

Các dấu mốc thay đổi vốn điều lệ đáng chú ý của công ty Tiên Sơn từ năm 1995 - 2021.  

Đến nay, Tiên Sơn Thanh Hóa đã xây dựng 9 nhà máy may gia công để xuất khẩu tại thị xã Bỉm Sơn, huyện Nga Sơn, huyện Triệu Sơn, huyện Thọ Xuân, huyện Như Thanh, huyện Yên Định, huyện Thạch Thành và thành phố Thanh Hóa với giá trị đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động.

Tham vọng nghìn tỷ

Sau thành công ngoài mong đợi từ đợt phát hành riêng lẻ 25 triệu cổ phiếu thu về 250 tỷ đồng trong năm 2021, tại đại hội cổ đông công ty Tiên Sơn tháng 4/2022, đã thống nhất quyết nghị phương án tiếp tục phát hành 65 triệu cổ phần, tăng gấp đôi quy mô vốn điều lệ hiện tại dự kiến thực hiện trong năm 2022, hoặc có thể kéo dài tới quý I/2023.

Theo đó, đại hội thống nhất phát hành 65 triệu cổ phiếu AAT, giá phát hành 10.000/cp, với tổng trị giá 650 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ công ty lên 1.288 tỷ đồng bằng hình thức phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Để lựa chọn các nhà đầu tư, HĐQT hoặc Chủ tịch HĐQT tiến hành lựa chọn đối tượng chào bán trên cơ sở đáp ứng các điều kiện chào bán riêng lẻ theo quy định điều 31 - Luật Chứng khoán 54/2019/QH14.

Về tiêu chí lựa chọn, Nghị quyết đại hội cổ đông công ty xác định lựa chọn các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đáp ứng điều kiện là các cá nhân hoặc tổ chức trong nước; có tiềm lực tài chính; có khả năng hỗ trợ công ty về công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị doanh nghiệp và có thể đóng góp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Ngoài ra, các nhà đầu tư này chỉ được phép chuyển nhượng nội bộ và không được chuyển nhượng cổ phiếu cho đối tượng khác trong thời gian 1 năm.   

Quang cảnh một nhà máy may của công ty Tiên Sơn.

Cũng theo nghị quyết đại hội, việc phát hành, tăng vốn điều lệ này nhằm phục vụ hoạt động mua lại phần vốn góp của các công ty khác hiện đang là chủ đầu tư của một số dự án mảng bất động sản công nghiệp và đô thị; trả nợ ngân hàng và đối tác. 

Cụ thể, dự kiến vốn thu được từ đợt phát hành này sẽ chi 200 tỷ đồng cho việc mua lại phần vốn góp của công ty TNHH Victory Việt Nam hiện là chủ đầu tư dự án nhà máy may xuất khẩu sản xuất túi xách, giầy xuất khẩu Thọ Xuân; 250 tỷ đồng sẽ sử dụng mua cổ phần của công ty CP Hoàng Hải - TS là chủ dự án công trình phức hợp PH1 thuộc khu thương mại dịch vụ và dân cư BT - M1 khu đô thị mới Đông Hương, Tp.Thanh Hoá; còn lại 200 tỷ đồng sẽ được công ty sử dụng trả nợ ngân hàng và nhà cung cấp mỗi bên 100 tỷ đồng. 

Qua phương án sử dụng vốn huy động trên, nhiều khả năng công ty Tiên Sơn sẽ lấn sân sang mảng kinh doanh bất động sản đô thị với động thái dự kiến mua lại cổ phần của một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Trong quá khứ, doanh nghiệp này với sự lãnh đạo của doanh nhân, cựu chiến binh Trịnh Xuân Lâm đã có nhiều bước chuyển dịch trong kinh doanh mang tính chiến lược và đã đem lại nhiều kết quả khả quan. 

Tuy nhiên, nghị quyết cũng nêu rõ, trong trường hợp phương án sử dụng vốn trên không còn phù hợp với điều kiện thực tế thì HĐQT hoặc Chủ tịch HĐQT có quyền điều chỉnh phương án phù hợp hơn và thực hiện báo cáo UBCKNN, báo cáo ở kỳ đại hội gần nhất và công bố thông tin theo các quy định hiện hành của pháp luật.  

Cũng theo Nghị quyết này, trong năm 2022, công ty Tiên Sơn đặt mục tiêu đạt doanh thu 800 tỷ đồng tăng 60% so với năm 2021 và lợi nhuận sau thuế đạt 130 tỷ đồng tăng hơn 460% lần so với năm trước.

Việt Phương