Thế giới

Tiến không được lùi cũng chẳng xong, NATO phải làm gì với Ukraine?

Cho đến khi “các điều kiện được đáp ứng” để Ukraine trở thành thành viên, các nước NATO cần hỗ trợ nhiều hơn cho quốc gia Đông Âu và tăng chi tiêu quốc phòng.

Ukraine một lần nữa chiếm tỉ trọng đáng kể trong báo cáo thường niên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khi xung đột với Nga bước sang năm thứ 3. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg một lần nữa kêu gọi các thành viên trong khối tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine.

Phát biểu khi công bố báo cáo thường niên của tổ chức này cho năm 2023 trong một cuộc họp báo ở Brussels hôm 14/3, ông Stoltenberg cho rằng việc NATO không cung cấp đủ đạn dược cho Ukraine là một trong những lý do khiến người Nga có thể đạt được một số tiến bộ trên chiến trường trong những tuần và tháng qua.

Người đứng đầu NATO kêu gọi các đồng minh tăng cường cung cấp thêm đạn dược cho Ukraine, lập luận rằng họ có khả năng cung cấp nhiều hơn cho Ukraine và cần thể hiện ý chí chính trị để làm như vậy.

Nhưng ý chí chính trị lại là thứ đang bị nghi ngờ nhiều nhất. Đầu năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov cho biết tại một sự kiện rằng một nửa số hỗ trợ quân sự mà phương Tây hứa với Ukraine không đến đúng thời hạn, làm phức tạp thêm nhiệm vụ của các nhà hoạch định quân sự và cuối cùng phải trả giá bằng mạng sống của binh sĩ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga.

Nội bộ bất nhất

Một đoạn ghi âm bị rò rỉ hồi đầu tháng này, trong đó các quan chức quân sự Đức thảo luận về nhiều vấn đề, từ khả năng chuyển tên lửa hành trình Taurus tới Kiev cho đến sự hiện diện của quân nhân Anh ở Ukraine, đã làm “dậy sóng” ở cả đôi bờ Đại Tây Dương.

Trong khi Moscow tuyên bố cuộc thảo luận “chứng tỏ rõ ràng sự tham gia của tập thể phương Tây, bao gồm cả Berlin, trong cuộc xung đột ở Ukraine”, Đức cho biết vụ rò rỉ là một “cuộc tấn công thông tin sai lệch hỗn hợp” của Nga nhằm mục đích gieo rắc sự bất hòa trong lòng nước Đức và giữa nước này với các đồng minh.

Một điều rõ ràng là chính quyền của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tỏ ra dè dặt trong việc thúc đẩy leo thang cuộc khủng hoảng Ukraine.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trình bày báo cáo thường niên của liên minh cho năm 2023, ngày 14/3/2024. Ảnh: NATO website

Trong khi đó, hồi cuối tháng 2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mở đường cho khả năng các quốc gia châu Âu gửi quân tới Ukraine, nhưng những gì nhà lãnh đạo Pháp lặp đi lặp lại đã bị ông Stoltenberg phủ nhận. Vị quan chức NATO đã nhanh chóng gạt đi, nói rằng không có kế hoạch triển khai quân chiến đấu của NATO trên chiến trường Ukraine.

Ông Michael Maloof, cựu nhà phân tích chính sách an ninh cấp cao của Lầu Năm Góc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với China Media Group rằng việc phương Tây liên tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine có thể gây phản tác dụng.

Lấy đoạn ghi âm bị rò rỉ của Quân đội Đức làm ví dụ, ông Maloof cho rằng điều này không chỉ làm thất bại kế hoạch của Berlin trong việc cung cấp tên lửa hành trình Taurus cho Ukraine mà còn khiến phương Tây nhận ra rằng nếu tiếp tục “đùa với lửa” trong cuộc khủng hoảng Ukraine, họ sẽ phải đối mặt với phản ứng tiềm tàng từ Nga.

Hơn nữa, ông Maloof cho biết thêm, việc phương Tây “đùa với lửa” sẽ không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế, ngành công nghiệp và đời sống người dân của chính họ, mà còn mang đến cho họ những hậu quả địa chính trị khủng khiếp.

Ông Dong Yifan, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu châu Âu thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, nói với mạng truyền hình CGTN rằng việc NATO theo đuổi an ninh tuyệt đối sẽ không hiệu quả, cuối cùng sẽ dẫn đến một cấu trúc an ninh mất cân bằng và dễ bị sụp đổ.

Giữ cách nói mơ hồ

Báo cáo mà ông Stoltenberg trình bày cũng nhắc lại quan điểm của NATO rằng Ukraine nên trở thành thành viên của liên minh – dù vẫn giữ cách nói mơ hồ rằng điều đó sẽ xảy ra khi “các điều kiện được đáp ứng”.

Cho đến lúc đó, báo cáo kêu gọi hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine và tăng chi tiêu quốc phòng cho các thành viên từ năm 2024 trở đi.

Theo báo cáo thường niên của NATO, 11 quốc gia thành viên đã đáp ứng tiêu chuẩn chi 2% GDP cho quốc phòng vào năm 2023 và con số này tăng lên 18 quốc gia thành viên vào đầu năm 2024.

Binh sĩ Ukraine chuẩn bị pháo binh thời Liên Xô khi cuộc chiến Nga-Ukraine tiếp diễn gần Kreminna, vùng Donetsk, ngày 14/2/2024. Ảnh: Getty Images

Cuộc xung đột Nga-Ukraine là một trong những lý do khiến NATO tăng chi tiêu quân sự trong những năm gần đây. Báo cáo cũng cho biết 2/3 số đồng minh sẽ đạt được mục tiêu 2% vào năm 2024. Tuy nhiên, khoảng cách giữa dự kiến và thực tế là một chặng đường dài.

Một báo cáo do Institut de Relations Internationales et Strategiques, một cơ quan tư vấn của Pháp về các vấn đề địa chính trị và chiến lược, cho biết rằng không thể mong đợi một khoản tăng ngân sách lớn nào cho thiết bị quốc phòng từ các quốc gia Nam Âu, đặc biệt là Hy Lạp, Italy và Tây Ban Nha, trong trong vài năm tới, do họ ở rất xa tiền tuyến trong cuộc xung đột Nga-Ukraine và điều kiện kinh tế tương đối mong manh của họ.

Tuy nhiên, mức chi tiêu quân sự ngày càng tăng ở các nước thành viên NATO có vẻ trái ngược với tình trạng quân đội Ukraine gần đây đang phải vật lộn với việc thiếu hụt nguồn cung vũ khí từ phương Tây, bao gồm cả NATO.

Minh Đức (Theo CGTN, Anadolu, Breaking Defense)