Tiêu điểm

Tiêm vắc-xin chậm: Lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm!

Nhiều ĐBQH cho rằng đơn vị nào, địa phương nào chậm trễ tiếp nhận, triển khai tiêm vắc-xin phải báo cáo lý do, nếu không có lý do chính đáng cần kỷ luật nghiêm.

Thứ trưởng bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh đối với tỉnh, thành phố triển khai tiêm chậm, sau ngày 15/8 tiêm không hết lượng vắc-xin đã được phân bổ thì bộ Y tế chủ động điều chuyển cho các đơn vị khác.

“Lúc đó, bộ Y tế sẽ không trao đổi lại mà sẽ căn cứ vào số liệu tồn để điều chuyển và nếu bộ Y tế có điều chuyển cũng mong các địa phương thông cảm”, Thứ trưởng bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nói.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến dư luận cho rằng “Vì sự chậm trễ của tập thể mà chuyển vắc-xin cho đơn vị khác là không nên, sai ở đâu thì xử lý ở đó. Đồng thời, có thể điều chuyển vắc-xin về địa phương để kịp thời hỗ trợ, không để ảnh hưởng đến quyền lợi của dân”.

Trước vấn đề này, chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (ảnh trên), Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn Thừa-Thiên Huế cũng đồng tình một phần với ý kiến của dư luận. Bởi lẽ, vì lý do của tổ chức trực tiếp quản lý người dân hoặc chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ được Trung ương phân cấp mà không hoàn thành nhiệm vụ thì đúng là thiệt thòi cho người dân.

“Theo tôi, phải tìm hiểu kỹ nguyên nhân có đúng việc tiêm vắc-xin chậm trễ là do địa phương, đơn vị đó hay không. Phải có sự đánh giá hết sức toàn diện nguyên nhân vì sao chậm trễ. Khi có đánh giá rồi thì chúng ta có giải pháp triển khai đồng bộ, tổng quát”, ĐB Sửu chia sẻ.

ĐB Sửu cũng nhấn mạnh việc mà mọi người quan tâm nhất hiện nay chính là tăng tốc tiêm vắc-xin. “Các đơn vị chậm trễ tiếp nhận vắc-xin phải báo cáo rõ ràng, cụ thể và phải xử lý kỷ luật ngay. Thậm chí, nếu không làm được thì người khác làm. Còn nguồn vắc-xin do lỗi của địa phương tiêm chậm mà phải chuyển cho các đơn vị khác thì người dân sẽ chịu thiệt thòi, tội cho người dân”, vị đại biểu này bày tỏ.

Phải tìm hiểu kỹ nguyên nhân có đúng việc tiêm vắc-xin chậm trễ là do địa phương? (Ảnh minh hoạ: Trọng Tùng).

Bên cạnh đó, theo đại biểu Sửu, không loại trừ nguyên nhân một bộ phận người dân nằm trong diện tiêm nhưng không chấp hành tiêm, trốn tránh tiêm hoặc không muốn tiêm…dẫn đến địa phương không hoàn thành việc tiêm. Vì thế, cần phải có cam kết, nhắc nhở người dân thực hiện theo đúng quy định.

“Một điều nữa cần tuyên truyền một cách sâu rộng để người dân hiểu được vai trò quan trọng của việc tiêm vắc-xin. Bởi, tiêm vắc-xin không chỉ bảo vệ mình mà còn bảo vệ cho mọi người xung quanh mình”, đại biểu Sữu nhấn mạnh.

Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Anh Trí (ĐBQH đoàn TP.Hà Nội) cho rằng, các cơ sở y tế được phân công tiêm chủng vắc-xin cho nhân dân phải thực hiện thật nghiêm túc. Những người làm không nghiêm túc đáng bị kỷ luật.

“Các cán bộ y tế được phân công phải hoàn thành nhiệm vụ, cố gắng, nỗ lực hết sức để hoàn thành nhiệm vụ. Nếu không làm được thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, đại biểu Trí bày tỏ.

Theo đại biểu Trí, để tổ chức tiêm vắc-xin cho tốt, bộ Y tế cũng phải thường xuyên công bố những đơn vị không thực hiện tốt, không thực hiện nghiêm chỉnh việc tiêm vắc-xin cho nhân dân, cho cộng đồng, cho cán bộ nhân viên.

Lỗi do ai, ở bộ phận nào?

ĐBQH khoá XIV Bùi Văn Xuyền cho biết: “Các đơn vị chậm trễ trong việc tiếp nhận vắc-xin, phải báo cáo một cách rõ ràng cụ thể. Nếu chuyển vắc-xin từ tỉnh này qua một tỉnh khác cũng phải nói rõ lý do tại sao và toàn bộ thông tin phải được công khai cho toàn dân được biết. Trong lúc Chính phủ đang điều tiết vắc-xin mà một số địa phương chậm trễ, thì phải truy rõ trách nhiệm, lỗi do ai, ở bộ phận nào? Nếu do việc quản lý điều hành không tốt dẫn tới việc chậm trễ, thì cả ngành y tế đến lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm”.

Thanh Lam