Tài chính - Ngân hàng

Tiềm lực của ngân hàng SeABank sắp "đổ bộ" hơn 1,2 tỷ cổ phiếu lên sàn chứng khoán

Trước thềm chào sàn vào ngày mai 24/3, SeAbank có gì trong tay để thu hút nhà đầu tư? Ai đang đứng sau nhà băng 27 tuổi này?

"Soi" tiềm lực ngân hàng SeAbank trước ngày lên sàn

Vào ngày mai 24/3, dự kiến hơn 1,2 tỷ cổ phiếu SSB của ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) sẽ chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán HoSE của sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSX).

Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 16.800 đồng/cổ phiếu. Như vậy, vốn hóa thị trường ngày chào sàn của SeAbank dự kiến đạt 20.160 tỷ đồng.

Theo giới phân tích, SeAbank niêm yết thời điểm hiện tại là khá thuận lợi, vì thị trường chứng khoán nói chung, nhóm cổ phiếu ngân hàng nói riêng, đang hết sức sôi động.

Ngày 18/3, chỉ số VNIndex vừa thiết lập kỷ lục trên 1.200 điểm. Nhiều cổ phiếu ngân hàng liên tục đi lên và phá đỉnh những ngày gần đây. 

Ngoài ra, nhà băng này cũng nằm trong nhóm 15 nhà băng vừa được Moody's nâng triển vọng tín nhiệm vào cuối tuần qua, cho thấy nhiều dấu hiệu hồi phục tích cực của ngân hàng cũng như nền kinh tế nói chung.

Về tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính hợp nhất 2020 đã kiểm toán của SeAbank cho thấy, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế gần 1.729 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2019, là con số cao nhất từ trước đến nay.

Sau khi trừ thuế, lợi nhuận giữ lại của ngân hàng đạt hơn 1.360 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản của SeABank đạt 180.207 tỷ đồng, tăng 14,5% so với đầu năm. Tổng dư nợ thị trường 1 đạt 108.869 tỷ đồng, tăng 10,5%; Tổng huy động vốn trên thị trường 1 đạt 113.276 tỷ đồng tăng 18%.

Đà tăng trưởng của SeaBank được ghi nhận trong khoảng 3 năm trở lại đây. Năm 2017, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 381 tỷ đồng. Năm 2018, con số này tăng gần gấp đôi và tăng gấp đôi tiếp trong năm 2019. Đến năm 2020, chỉ số này đạt cao kỷ lục 1.728 tỷ đồng.

Trong 4 năm, lợi nhuận của ngân hàng đã tăng gấp 4,5 lần.

Năm 2020, doanh thu của Seabank giảm nhẹ nhưng lợi nhuận tăng 24%.

Ai đang sở hữu Seabank?

Có tiền thân là ngân hàng TMCP Hải Phòng, thành lập tháng 3/1994 tại thành phố cảng, tháng 09/2002, ngân hàng chính thức đổi tên thành ngân hàng TMCP Đông Nam Á.

Ba năm sau ngày đổi tên, tháng 3/2005, SeaBank chuyển hội sở từ Hải Phòng về Hà Nội, tọa lạc tại 16 Láng Hạ (quận Ba Đình) và đến tháng 12/2009, thì chuyển về 25 Trần Hưng Đạo (P. Phan Chu Trinh, Q. Hoàn Kiếm).

Kể từ thời điểm thành lập cho đến nay, nhà băng gốc đất cảng đã có 21 lần tăng vốn điều lệ, lần tăng gần nhất là tháng 10/2020, đạt mức 12.087,4 tỷ đồng.

Hiện tại, SeABank có mạng lưới 174 chi nhánh và phòng giao dịch tại 29 tỉnh thành trên toàn quốc.

Ngân hàng có 1 cổ đông lớn sở hữu trên 5% vốn là công ty TNHH Phát triển và Đầu tư Phú Mỹ (nắm hơn 6,5% vốn điều lệ). Ngoài ra, 83,72% vốn do cổ đông tổ chức nắm giữ, 16,28% cổ phần do cá nhân nắm giữ và không có cổ đông nước ngoài.

Chủ tịch HĐQT của SeAbank hiện nay là ông Lê Văn Tần, được bổ nhiệm hôm 11/4/2018. Tuy nhiên những người dõi theo quá trình hình thành và phát triển của ngân hàng này thì đều nhận thấy rõ tầm ảnh hưởng của bà Nguyễn Thị Nga (SN 1955) - Chủ tịch tập đoàn đầu tư đa ngành BRG, một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Là một doanh nhân gắn với hoạt động ngân hàng từ rất sớm, năm 2000 bà Nga bắt đầu đầu tư vào Techcombank, trở thành Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng này. Đến năm 2006 sau khi thoái vốn khỏi Techcombank, bà đầu tư vào SeABank và ngồi ghế Chủ tịch HĐQT năm 2007.

Bà Nguyễn Thị Nga

Thời điểm năm 2018, do chấp hành quy định chống sở hữu chéo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bà Nga rời ghế nóng Chủ tịch ngân hàng, chỉ còn là Chủ tịch tập đoàn BRG (sở hữu sân golf Đồng Mô, sân golf Sóc Sơn, khách sạn Hilton Hà Nội, khách sạn Sông Nhuệ và nhiều công trình khác), Phó Chủ tịch công ty Thăng Long GTC, Chủ tịch CTCP Dịch vụ Intimex (sở hữu chuỗi siêu thị cùng tên)...

Hiện tại bà Nga là Phó Chủ tịch thường trực HĐQT SeABank. 

Ngoài ra, phần lớn đội ngũ lãnh đạo cũng như các cổ đông của ngân hàng SeABank hiện nay đều là người liên quan đến nữ doanh nhân này.

Cụ thể, bà Lê Thu Thủy (SN 1983) - con gái bà Nga - hiện là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc SeABank, người được ấn định sẽ kế nhiệm mẹ tại "đế chế" SeABank và BRG. Ông Lê Hữu Báu - chồng bà Nga - từng là thành viên HĐQT và ông Lê Tuấn Anh - con trai bà Nga - từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT SeABank.

Về cơ cấu sở hữu, bà Nga không trực tiếp sở hữu cổ phần ngân hàng, nhưng bà sở hữu gián tiếp thông qua công ty do bà đứng tên. Cụ thể, công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Phú Mỹ (bà Nga làm Chủ tịch HĐTV) sở hữu 79.354.069 cổ phần SSB (chiếm 6,565% vốn điều lệ).

Ngoài ra chồng và các con của bà cũng sở hữu cổ phần tại ngân hàng này. Cụ thể, ông Lê Hữu Báu sở hữu 50,3 triệu cổ phần, tương ứng 4,161% vốn điều lệ của SeABank; ông Lê Tuấn Anh sở hữu 34.,2 triệu cổ phần (2,829%); bà Lê Thu Thủy sở hữu hơn 35 triệu cổ phần (2,898%). 

Tổng số cổ phần do bà Nga sở hữu gián tiếp và những người trong gia đình bà nắm giữ lên đến gần 200 triệu cổ phần, tương đương 16,453% vốn điều lệ của ngân hàng này.

Minh Minh