Kinh tế vĩ mô

Tích cực thu hoạch sớm diện tích lúa, rau màu trước cơn bão số 4

Để chủ động ứng phó với bão số 4 (bão Noru), các địa phương đã hướng dẫn nông dân thu hoạch lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản đến thời kỳ thu hoạch.

Theo các đơn vị chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để chủ động ứng phó với bão số 4 (bão Noru), các đơn vị đã liên hệ với các địa phương để hướng dẫn nông dân thu hoạch lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản đến thời kỳ thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; đồng thời, hướng dẫn, kêu gọi tàu cá vào nơi neo đậu an toàn cũng như gia cố bè nuôi cẩn thận, tránh thiệt hại.

Cục Trồng trọt cho biết, tổng diện tích lúa đã gieo cấy vụ Mùa các tỉnh từ Thanh Hóa - Bình Thuận là 232.000 ha, đã thu hoạch 120.000 ha; còn lại 112.000 ha chưa thu hoạch; trong đó 25.000 ha đến thời kỳ thu hoạch, Cục Trồng trọt đã liên hệ với các địa phương đề nghị thu hoạch xong trong trong hai ngày 26 và 27/9. Với diện tích khoảng 80.000 ha còn lại thì phải cần 10 ngày nữa mới thu hoạch được.

Diện tích rau màu trong khu vực bị ảnh hưởng của bão có khoảng 70.000 ha; trong đó có 10.000 ha cây ngắn ngày sẽ thu hoạch xong sớm. 

Diện tích sắn của Bắc Trung Bộ khoảng 50.000 ha, duyên hải Nam Trung Bộ khoảng 100.000 ha. Diện tích này đã đến thời vụ thu hoạch nên Cục Trồng trọt đã làm việc với các địa phương đề nghị với diện tích có thể thu hoạch thì triển khai ngay để đảm bảo sản lượng, chất lượng cho nông dân.

Diện tích ngô khoảng 15.000 ha ở Bắc Trung Bộ cũng đã đến thời kỳ thu hoạch thì các địa phương cần tổ chức thu hoạch ngay. Diện tích nào thu hoạch được thì các địa phương cần thu hoạch ngay, Cục Trồng trọt khuyến cáo.

Về tàu cá, các đơn vị, địa phương đã tổ chức kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn cho 840 tàu. Theo Tổng cục Thủy sản, qua giám sát, trong 48 giờ tới, có 116 tàu cá của Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đang hoạt động trong vùng ảnh hưởng của đường đi của bão số 4. Ngành cũng lưu ý 4 tỉnh thành này tiếp tục thông tin về tàu đang ở trong vùng nguy hiểm, nhanh chóng thoát khỏi vùng nguy hiểm. 

Về tình hình nuôi trồng thủy sản, các tỉnh trọng tâm dự kiến bão độ bộ từ Đà Nẵng đến Bình Định có 13.886 ha và 2.480 lồng, bè nuôi trồng thủy sản của Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Các tỉnh đang tổ chức gia cố, di dời để tránh bão.

Về tình hình hồ chứa thủy lợi, khu vực Bắc Trung Bộ có 323 hồ, dung tích trung bình từ 39 - 96% dung tích thiết kế; 2 hồ đang xả tràn; trong đó có 311 hồ hư hỏng xuống cấp; 74 hồ chứa đang thi công.

Các địa phương đã hướng dẫn nông dân thu hoạch lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản đến thời kỳ thu hoạch để tránh tối đa thiệt hại của cơn bão số 4. 

Khu vực Nam Trung Bộ có 517 hồ, dung tích trung bình đạt 34 - 85% dung tích thiết kế; trong đó có 68 hồ hư hỏng xuống cấp; 39 hồ hồ chứa đang thi công. Các địa phương đã sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ chứa và hạ du.

Tổng cục Thủy lợi cho biết, có 3 hồ lớn quan trọng trong vùng ảnh hưởng của bão là Cửa Đạt, Ngàn Trươi, Tả Trạch. Hiện các hồ Ngàn Trươi, Tả Trạch đang có mực nước thấp có thể đảm bảo cắt lũ. Riêng hồ Cửa Đạt hiện vẫn dưới mực nước dâng bình thường.

Về hỗ trợ tiêu úng, Tổng cục đã ban hành công điện đề nghị các địa phương lên phương án chuẩn bị sẵn sàng hỗ trợ tiêu úng cho các vùng, đặc biệt lúa, hoa màu… Tổng cục Thủy lợi sẽ phối hợp với Cục Trồng trọt để tiêu úng cho các vùng sản xuất kịp thời.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh/thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến đảm bảo an toàn cháy nổ, an ninh trật tự, xã hội.

Đồng thời, sẵn sàng triển khai công tác đảm bảo an toàn về người, tài sản trên các đảo và lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản; các tàu vận tải, hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển; công trình đang thi công trên biển, ven biển.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cảnh báo, từ chiều 27/9 đến ngày 28/9 ở khu vực từ Trung Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên mưa to, đến rất to, dông kèm gió giật mạnh, lượng mưa phổ biến 150 - 300 mm, có nơi trên 350 mm. Từ ngày 28-30/9, mưa có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ.

Chạy siêu bão, ngư dân cập bến với mẻ cá lớn 

Hàng trăm tàu cá ở xã Cảnh Dương (Quảng Trạch - Quảng Bình) đã nhanh chóng vào bờ tránh bão Noru khi chuyến đi biển mới được hơn nửa thời gian dự kiến nhưng nhiều tàu cập bến đã mang theo cá đầy khoang.

Theo Tiền Phong, sáng 26/9, nhiều tàu cá ở xã Cảnh Dương đang tiếp tục cập bến sông Loan để tránh, trú cơn bão Noru với đầy khoang cá hố, cá bò, cá nục. Tranh thủ thời tiết không mưa, bà con ngư dân đã hối hả vận chuyển cá lên bờ bán cho thương lái.

Vừa cho tàu cập bến, ngư dân Hoàng Chí Dũng và các bạn thuyền đã hối hả bốc cá xuống bến để bán. Ông Dũng cho biết: "Đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa thì chúng tôi nghe tin báo về cơn bão số 4 nên thu xếp cho tàu về bến để tránh, trú bão cho an toàn.

“Mặc dù chuyến biển này chúng tôi mới chỉ đánh bắt được 9 ngày (1/2 thời gian) nhưng nhờ trúng luồng cá, tàu chúng tôi đã đánh bắt được 4 tấn cá hố, cá bò. Với giá bán hiện nay 70.000 đồng/1kg, chúng tôi thu được gần 300 triệu đồng, bình quân mỗi lao động được hơn 15 triệu đồng” ông Dũng cho biết.

Trong khi đó, ngư dân Võ Trọng Tấn đã neo đậu tàu an toàn ở âu thuyền sông Loan. Ông Tấn chia sẻ: “Sau khi nắm thông tin về đường đi của cơn bão số 4, sau 9 ngày đánh bắt, tàu của chúng tôi đánh bắt được 2,5 tấn cá hố. Sau khi bán cá, chia tiền cho 7 bạn thuyền xong, tôi đã cho tàu vào âu thuyền để tránh trú bão cho an toàn, chờ qua cơn bão, lại tiếp tục vươn khơi”.

Ông Nguyễn Ngọc Tiếp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cảnh Dương cho biết, toàn xã có 590 phương tiện đánh bắt trên biển, trong đó có 350 tàu cá công suất lớn, đánh bắt xa bờ. Hiện tại tất cả tàu cá của ngư dân Cảnh Dương đã vào bờ tránh, trú cơn bão số 4 an toàn.

“Trong vòng 2 tháng nay ngư dân chúng tôi được mùa cá, đặc biệt là cá hố. Tuy giá cá có giảm so với trước (giao động từ 60.000 -75.000 đồng/kg cá hố) nhưng ngư dân cũng đã có nguồn thu nhập khá. Đặc biệt, với chuyến biển này, ngư dân phải cho tàu về bến tránh bão khi mới chỉ đánh bắt được 1/2 thời gian nhưng trung bình mỗi lao động nghề biển cũng có thu nhập hơn 10 triệu đồng. Mặc dù phải “chạy bão” nhưng ngư dân cũng rất phấn khởi", ông Tiếp chia sẻ.

Hương Anh (tổng hợp)