Tiêu điểm thế giới

Tỉ lệ thất nghiệp tại các nước phát triển đang giảm

Các chiến dịch tiêm chủng đang giúp các doanh nghiệp mở cửa trở lại và thuê lao động mới. Đó có thể là lí do tỉ lệ thất nghiệp trên thế giới đang giảm.

Đặc biệt, tỉ lệ thất nghiệp ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã giảm xuống 6,2% trong tháng Bảy, từ mức 6,4% trong tháng Sáu, cao hơn 0,9% so với tỉ lệ trước đại dịch hồi tháng 2/2020.

OECD hiện có 38 thành viên, hầu hết trong số đó là các quốc gia có thu nhập cao, như Mỹ, Nhật Bản, Úc, các nước châu Âu...

Tổng số lao động thất nghiệp trên toàn khu vực OECD, bao gồm các nước trong khu vực đồng euro (Eurozone) cũng như Mỹ, Úc, Nhật Bản và Anh, đã giảm 1,6 triệu trong tháng Bảy, xuống còn 41,1 triệu, do nền kinh tế toàn cầu dần phục hồi từ cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra trong bối cảnh các chiến dịch tiêm chủng được thúc đẩy ở mọi nơi trên thế giới.

“Cần phải thận trọng trong việc giải thích tỉ lệ thất nghiệp trong khu vực OECD giảm so với mức đỉnh tháng 4/2020, vì nó phần nhiều phản ánh sự trở lại của những người lao động tạm thời bị cho thôi việc ở Mỹ và Canada, nơi họ được ghi nhận là thất nghiệp”, OECD cho biết.

Tại khu vực đồng euro, tỉ lệ thất nghiệp đã giảm xuống 7,6% trong tháng Bảy, từ mức 7,8% trong tháng Sáu. Đây là mức giảm hàng tháng được ghi nhận tháng thứ ba liên tiếp.

“Sự sụt giảm đã được quan sát thấy ở hầu hết các quốc gia trong khu vực đồng euro, lớn nhất là ở Tây Ban Nha, nơi tỉ lệ này giảm 0,7 điểm phần trăm, xuống còn 14,3%”, OECD cho biết.

70% người trưởng thành ở Liên minh châu Âu hiện đã được tiêm chủng đầy đủ vắc-xin phòng Covid-19. Thành công trong triển khai vắc-xin góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp mở cửa trở lại và thuê nhân công từ mùa hè này.

AnnElizabeth Konkel, chuyên gia kinh tế tại Indeed Hiring Lab, cho rằng chứng nhận tiêm vắc-xin phòng Covid-19 có thể sẽ trở thành một phần của hồ sơ xin việc. Ảnh: CNBC

Điều này giúp thúc đẩy sự phục hồi kinh tế trong khối, với mức tăng trưởng GDP hàng năm dự kiến là 4,9% trong năm nay, theo Josie Dent, nhà kinh tế quản lý tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh.

Bà nói: “Tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống, được quan sát thấy ở hầu hết các quốc gia thành viên, báo hiệu rằng nhiều doanh nghiệp đang tuyển dụng lại những người lao động mà họ có thể đã phải cho nghỉ trong bối cảnh phong tỏa vì liên quan đến Covid-19.

"Bất chấp sự lây lan liên tục của virus SARS-CoV-2, với các biến thể mới có khả năng hạn chế tốc độ phục hồi, việc triển khai vắc-xin thành công dường như đã cho phép hầu hết các doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường".

Bên ngoài châu Âu, tỉ lệ thất nghiệp giảm 0,3% ở Úc, Canada, Hàn Quốc và Mỹ, xuống còn lần lượt là 4,6%, 7,5%, 3,3% và 5,4%.

Trong khi đó, tỉ lệ thất nghiệp ở Israel ít có sự thay đổi, vẫn ở mức 5%, mặc dù số ca nhiễm Covid-19 giảm mạnh ở nước này sau khi triển khai tiêm mũi tăng cường hàng loạt, với số ca nhập viện và tử vong cũng bắt đầu có xu hướng giảm.

Tỉ lệ thất nghiệp ở Nhật Bản ổn định ở mức 2,8% và ở Mexico vẫn ở mức 4,2%.

“Nhiều dữ liệu gần đây cho thấy tỉ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm vào tháng Tám ở Mỹ, xuống còn 5,2%, mặc dù tỉ lệ những người thất nghiệp tạm thời trong lực lượng lao động nhìn chung là ổn định”, OECD cho biết.

Dữ liệu về tỉ lệ thất nghiệp ở Anh trong tháng Bảy chưa có sẵn. Tuy nhiên tỉ lệ này đã giảm 0,2% xuống còn 4,7% trong ba tháng tính đến tháng Sáu.

Các con số về số lao động thất nghiệp tạm thời đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch vào tháng Bảy, với 340.000 người. Như vậy, tổng cộng có 1,6 triệu người vẫn nhận được hỗ trợ tính đến ngày 31/7, giảm so với con số gần 2 triệu tính đến ngày 30/6.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development - OECD), có trụ sở tại Paris, Pháp, được thành lập nhằm mục đích tìm ra các chính sách phát triển kinh tế cùng phúc lợi của người dân.

Đây là một diễn đàn dành cho các thành viên, hiện là chính phủ của 38 nước kinh tế thị trường phát triển nhất thế giới, cũng như 70 nước không phải là thành viên, cùng nhau bàn bạc, trao đổi kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề kinh tế cũng như các vấn đề chung khác.

Hiện OECD có 38 thành viên, hầu hết trong số đó là các quốc gia có thu nhập cao.

Tiền thân của OECD là Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Âu (OEEC) của 16 nước châu Âu nhằm khôi phục kinh tế và giám sát phân bổ viện trợ.

Năm 1950, Mỹ và Canada tham gia OEEC với tư cách quan sát viên.

Năm 1961, OEEC được chuyển thành OECD. 16 nước châu Âu trong OEEC cùng với Mỹ và Canada trở thành những thành viên sáng lập của OECD (tổng cộng 20 thành viên).

Trong những năm tiếp theo, OECD tiếp tục kết nạp một số quốc gia, ví dụ Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Israel, Mexico, Cộng hòa Séc...

Minh Đức (Theo The National News)