Chính sách

Thủy sản chế biến đông lạnh vào danh mục không kiểm dịch

Quý II năm 2022, Bộ NN-PTNT sẽ ban hành Thông tư sửa đổi bổ sung một số vấn đề về kiểm dịch hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc thẩm quyền quản lý.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Công văn số số 263/BNN-TY, phản hồi kiến nghị của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) về những bất cập trong kiểm dịch hàng hóa nhập khẩu của ngành hàng này.

Trong đó, có nội dung đáng chú ý là, sẽ bỏ hình thức kiểm dịch đối với các sản phẩm thủy sản nhập khẩu được chế biến đông lạnh để dùng làm thực phẩm, sản xuất, gia công xuất khẩu và không tiêu thụ nội địa.

Theo kế hoạch, quý II/2022, Bộ ban hành Thông tư mới sửa đổi, bổ sung các Thông tư 26/2016, Thông tư 36/2018 và Thông tư 11/2021.

Công văn cũng giải thích, Thông tư số 11/2021/BNNPTNT ban hành ngày 20/9/2021 về bảng mã số của hàng hóa xuất nhập khẩu (mã số HS), đã đưa sản phẩm thủy sản qua chế biến như nhiệt, sấy khô, xông khói, hóa chất, ướp muối, lên men… ra khỏi danh mục đối tượng thuộc diện kiểm dịch, đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp, Hiệp hội thực hiện theo quy định.

Sắp tới, thủy sản chế biến đông lạnh dùng làm thực phẩm sẽ không phải kiểm dịch

Một vấn đề nữa được Bộ NN-PTNT giải đáp là kiến nghị không bắt buộc phải nộp hồ sơ giấy các thủ tục kiểm dịch nhập khẩu mà đưa lên giải quyết trên Cổng thông tin một cửa Quốc gia. Bộ cho biết, việc nộp hồ sơ giấy đối với các thủ tục trên là không bắt buộc. Các tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn nhiều phương pháp gửi duyệt hồ sơ trước như: qua đường bưu chính, thư điện tử, fax…còn bản chính nhập lên Cổng thông tin một cửa Quốc gia. Hiện nay, toàn bộ thủ tục kiểm dịch thủy sản đã được triển khai trên Cổng thông tin điện tử Quốc gia có trên 95% lượng hồ sơ đã thực hiện.

Trước đó, các Thông tư 26/2016; 36/2018 và 15/2018 của Bộ NN- PTNT về vấn đề kiểm dịch được nhiều doanh nghiệp, Hiệp hội chỉ ra những bất cập so với tình hình thực tế.

Các Thông tư vừa nêu đều quy định các sản phẩm chế biến từ  động vật, sản phẩm động vật hoặc sản phẩm có chứa “sản phẩm động vật” thuỷ sản (đông lạnh, hàng khô, đồ hộp, nấu chín, ăn liền,…) vào danh mục bắt buộc phải kiểm dịch, dẫn đến “quá tải” cho đội ngũ chức năng thực hiện nhiệm vụ, kéo dài thời gian thông quan và khiến doanh nghiệp phải chịu thêm nhiều chi phí không đáng có.