Thế giới

Thụy Điển rộng đường vào NATO sau cú “bật đèn xanh” của Hungary

Thủ tướng Hungary Viktor Orban lập luận rằng việc Thụy Điển gia nhập NATO sẽ tăng cường an ninh của chính nước ông.

Rào cản cuối cùng trên con đường Thụy Điển gia nhập NATO đã sụp đổ. Sau hơn 600 ngày phản đối, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã “bật đèn xanh” cho quốc gia Bắc Âu đi tiếp trên lộ trình trở thành thành viên liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương.

Quốc hội Hungary hôm 26/2 đã bỏ phiếu ủng hộ việc phê chuẩn nghị định thư gia nhập NATO của Thụy Điển, và trong vài ngày nữa, quốc gia Bắc Âu này sẽ có thể chính thức trở thành quốc gia thành viên thứ 32 của liên minh.

“Hôm nay là một ngày lịch sử”, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson vui mừng nói. “Chúng tôi sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm của mình đối với an ninh châu Âu-Đại Tây Dương”.

Kết quả bỏ phiếu tại Quốc hội Hungary là 188 phiếu thuận và 6 phiếu chống sau khi ông Orban “mở lời”, nói rõ rằng các đại biểu của Đảng Fidesz cầm quyền của ông sẽ không còn “lăn tăn” gì về việc phê chuẩn.

“Việc Thụy Điển gia nhập NATO sẽ tăng cường an ninh của Hungary”, ông Orban nói, đồng thời gọi chuyến thăm trước đó của ông Kristersson tới thủ đô Hungary là một bước thiết yếu hướng tới xây dựng “mối quan hệ công bằng và tôn trọng giữa hai nước”. 

Trước đó hôm 23/2, ông Kristersson và ông Orban đã gặp nhau tại Budapest để thảo luận về hợp tác quốc phòng và an ninh, với kết quả cụ thể là Hungary sẽ có thể mua 4 máy bay chiến đấu Gripen mới do Thụy Điển sản xuất, để đổi lấy việc quốc gia Trung Âu không còn cản trở Stockholm trên con đường trở thành thành viên NATO.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hoan nghênh “cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Hungary phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển trong NATO. Bây giờ tất cả các đồng minh đã chấp thuận, Thụy Điển sẽ trở thành đồng minh thứ 32 của NATO. Tư cách thành viên của Thụy Điển sẽ khiến tất cả chúng ta mạnh mẽ và an toàn hơn”.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết tất cả các đồng minh sẽ được hưởng lợi từ tư cách thành viên của Thụy Điển. Ông Scholz nói: “Thật tốt khi Quốc hội Hungary đã chấp thuận việc gia nhập của Thụy Điển”.

Lễ kết nạp thành viên mới có thể được tổ chức tại trụ sở của NATO ở Brussels sớm nhất là vào ngày 1/3.

Quốc hội Hungary bỏ phiếu ủng hộ việc phê chuẩn nghị định thư gia nhập NATO của Thụy Điển, với 188 phiếu thuận và 6 phiếu chống, ngày 26/2/2024. Ảnh: Al Jazeera

Đối với Mỹ, việc Stockholm gia nhập NATO có ý nghĩa quan trọng vì NATO là chìa khóa cho nỗ lực do Washington lãnh đạo nhằm chống lại Moscow, đặc biệt là trong chiến dịch của Nga ở Ukraine, và liên minh phòng thủ này từ lâu đã đóng vai trò trung tâm trong việc duy trì an ninh và lợi ích của Mỹ ở châu Âu.

Về phía Thụy Điển, cuộc xung đột Nga-Ukraine ở ngay giữa lòng “cựu lục địa” đã thúc đẩy quốc gia Bắc Âu từ bỏ tình trạng không liên kết quân sự kéo dài hàng thập kỷ và hướng tới liên minh quân sự lớn nhất thế giới.

Việc thành công kết nạp Thụy Điển diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều bất ổn về tương lai của NATO, khi ông Donald Trump – ứng cử viên dẫn đầu của đảng Cộng hòa trong cuộc đua Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, đe dọa từ bỏ các đảm bảo an ninh cho ít nhất một phần châu Âu nếu ông trở lại Nhà Trắng.

Cả Thụy Điển và nước láng giềng là Phần Lan đều nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5/2022, chỉ vài tháng sau khi Nga đưa quân vào Ukraine. Phần Lan chính thức gia nhập liên minh vào tháng 4 năm ngoái.

Ukraine cũng đã vận động hành lang để gia nhập liên minh. Kiev đã nộp đơn đăng ký thành viên cấp tốc vào tháng 9/2022, nhưng yêu cầu của họ đã gây chia rẽ giữa các thành viên NATO.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chỉ trích NATO vì đã không đưa ra thời gian cụ thể cho việc Ukraine trở thành thành viên. Mùa hè năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết rằng sẽ còn “quá sớm” để Ukraine bắt đầu quá trình gia nhập trước khi chiến sự kết thúc.

Minh Đức (Theo Axios, EU News, Politico EU)