Sự kiện

Thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, tuyến buýt BRT số 2 chưa triển khai

Tuyến đường Tố Hữu – Lê Văn Lương, nơi có tuyến buýt BRT hiện hữu, liên tiếp xảy ra ùn tắc giao thông, các phương tiện cá nhân phải chen lấn nhau, xe máy leo lên vỉa hè, nhiều người lo ngại tuyến BRT số 2 nếu được xây dựng cũng sẽ lâm vào cảnh tương tự.

Đường Tố Hữu, xe máy leo lên vỉa hè để thoát ùn tắc.

Theo Kế hoạch phát triển các phương tiện vận tải hành khách công cộng giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ thị phần của giao thông công cộng chiếm khoảng 20%.

Trong đó, xe buýt chiếm khoảng 15%. Đến năm 2025, thị phần xe buýt chiếm khoảng 18%. con số này dự kiến đạt tương ứng 30 - 40% vào năm 2030, trong đó xe buýt chiếm khoảng 20%. Tuy nhiên, đến nay Hà Nội đã tạm dừng triển khai tuyến buýt nhanh BRT số 2.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Giám đốc trung tâm quản lý & điều hành giao thông đô thị Nguyễn Hoàng Hải cho biết, hiện nay, tuyến buýt nhanh BRT số 2 vẫn chưa triển khai và chưa có kế hoạch cụ thể đến khi nào mới triển khai. Hà Nội chưa có thông báo sẽ triển khai hay dừng triển khai tuyến buýt BRT này.

Theo ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin, tuyến đường Tố Hữu – Lê Văn Lương có mật độ phương tiện tham gia giao thông rất lớn, trong khi mặt đường dành cho các phương tiện hẹp, buýt nhanh BRT đi làn riêng dẫn đến tình trạng ùn tắc xảy ra liên tục.

Để tránh ùn tắc, các phương tiện như xe máy phải leo lên vỉa hè để thoát ra khỏi khu vực ùn tắc, một số phương tiện thì lấn vào làn BRT làm cho nhiều người tỏ ra khó chịu, ngán ngẩm.

Đáng chú ý, cầu vượt Láng Hạ - Lê Văn Lương thường xuyên xảy ra tình trạng các phương tiện chen lấn lên nhau để lên cầu gây ra ùn tắc. Cảnh ùn tắc tại nút giao Khuất Duy Tiến, Lê Văn Lương, Tố Hữu cũng khiến nhiều người ngán ngẩm.

Từng đánh giá về tính hiệu quả của tuyến buýt nhanh BRT, Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia Trần Hữu Minh chia sẻ, nếu không tăng chất lượng, xe buýt dễ rơi vào vòng luẩn quẩn. Thời gian qua, hệ thống xe buýt đã bộc lộ nhiều bất cập về chất lượng dịch vụ.

Hiện tượng hành khách không lên được xe buýt truyền thống do quá tải (có tuyến quá tải từ 140-200%); không gian đi bộ không liên tục, bất tiện và thiếu hụt ở khắp nơi. Thời gian đi lại bằng xe buýt dài hơn trong khi yêu cầu về chất lượng dịch vụ vận tải công cộng ngày càng gia tăng. Buýt nhanh BRT thì cũng chưa cho thấy hiệu quả rõ rệt.

Nếu không tăng cường chất lượng xe buýt, người dân tiếp tục sử dụng xe cá nhân và hệ thống GTVT Thủ đô sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn, ùn tắc giao thông, vận tải công cộng kém chất lượng, người dân tiếp tục sử dụng vận tải cá nhân.

Thế Anh