Đời sống

Thường xuyên ăn món ai cũng thích, người đàn ông bị sán làm tổ trong não

Bệnh nhân đi khám vì đau đầu âm ỉ, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân kéo dài. Kết quả phát hiện sán làm tổ trong não, nguyên nhân từ thói quen ăn tiết canh.

Ngày 30/11, các bác sĩ khoa Nội Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho biết, bệnh nhân đi khám vì đau đầu âm ỉ, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân kéo dài. Kết quả chụp MRI sọ não phát hiện tổn thương dạng nang trong nhu mô não, dương tính với sán dây chó (Echinococus).

Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán cả hai bệnh nhân bị nang sán não (cerebral hydatid cysts) do sán dây chó (Echinococus).

Khai thác tiền sử bệnh, cả hai người chia sẻ có thói quen ăn tiết canh lâu năm. Hiện, người bệnh được dõi tại bệnh viện kết hợp dùng thuốc để giảm các nang sán.

Hình ảnh nang sán làm tổ trong não người bệnh. 

Theo VTC News, nang sán thần kinh (Cerebral hydatid cysts or neurohydatidosis) tỷ lệ khoảng 2-3%, thường do sán dây chó giai đoạn ấu trùng gây bệnh ở người. Nguồn lây bệnh thường qua việc ăn uống thực phẩm, nước bị nhiễm trứng sán, hoặc do tiếp xúc trực tiếp với chó và các động vật trung gian nhiễm bệnh.

Triệu chứng nhiễm sán giai đoạn đầu thường mệt mỏi, ăn kém. Khi nang sán phát triển to biểu hiện tuỳ phụ thuộc vào vị trí của u nang và kích thước của chúng sẽ xuất hiện triệu chứng đau đầu, nôn mửa, co giật do tăng áp lực nội sọ và chèn ép não.

Việc chẩn đoán bệnh sán não thường không dễ, cần đến khám chuyên khoa, vì có thể chẩn đoán nhầm với u nang nội sọ là tổn thương lành tính. Nếu không phát hiện sớm, chủ quan với nang sán có thể phát triển to và chèn ép não.

Đặc biệt, đối với nang nhỏ chưa chèn ép não chỉ cần điều trị nội khoa, tẩy sán nhiều chu kỳ. Trường hợp kích thước nang to gây chèn ép não hoặc không đáp ứng với điều trị thuốc sẽ cần phẫu thuật.

Để phòng sán, các bác sĩ khuyến cáo nên thực hành vệ sinh tốt, tẩy giun, sán định kỳ cho vật nuôi, rửa tay sau khi tiếp xúc với vật nuôi, ăn chín uống sôi, tránh ăn các loại tiết canh có thể là nguồn chứa ấu trùng giun sán tiềm ẩn.

Những sự thật "kinh hãi" khi ăn tiết canh

1. Tiết canh dê, vịt…đều là máu sống, mang mầm truyền bệnh. Tất cả các loại tiết canh dù là dê, vịt… thực chất là máu sống và đều tiềm ẩn rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm, từ tiêu chảy, tả, lị, liên cầu khuẩn…

2. Ăn tiết canh dê, vịt.. nhà tự làm vẫn mắc liên cầu khuẩn lợn. Có nhiều trường hợp tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn lợn chỉ vì ăn tiết canh….. vịt nhà tự làm.

3. Không cần ăn dài ngày, chỉ ăn tiết canh 1 lần cũng vẫn nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Chỉ cần ăn phải tiết canh có liên cầu khuẩn lợn, người ăn sẽ bị nhiễm bệnh mà không cần là người ăn tiết canh dài ngày.

4. Tiết không mát và bổ huyết. Tiết canh không có tác dụng chữa bệnh trong Đông y cũng không phải thực phẩm có tính mát.

5. Ăn tiết canh, sán làm tổ trong não và bất kỳ bộ phận nào trong cơ thể. Biểu hiện của nhiễm nang sán rất phong phú, tùy thuộc vào vị trí mà các nang sán cư ngụ. Ấu trùng sán có thể đi bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể nhưng thường tập trung nhiều ở cơ, mắt và đặc biệt là não.

6. Điều trị sán não tốn kém và có thể tử vong. Nếu điều trị muộn, khả năng tử vong rất lớn hoặc có thể để lại di chứng sau này.

Theo Sở Y tế Hà Tĩnh, để phòng tránh nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, bác sỹ Đào Thị Phương - Phó Chi cục trưởng, phụ trách Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Tĩnh khuyến cáo mọi người chỉ ăn các món ăn từ gia súc, gia cầm đã được nấu chín. Tuyệt đối không thịt gia súc, gia cầm chết. Không ăn các món ăn tái sống như gỏi, nem chua, nem chạo, đặc biệt là tiết canh.

Sử dụng các phương tiện phòng hộ, rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc, giết mổ, chế biến thịt. Khi có vết thương hở không nên giết mổ lợn hoặc chế biến thịt tươi sống. Vệ sinh các đồ dùng giết mổ, chế biến hay dụng cụ nhà bếp ngay sau khi sử dụng...

Trúc Chi (t/h)