Thế giới

Thương vụ tạo ra hãng đóng tàu lớn nhất thế giới vẫn chưa có hồi kết

Thương vụ mua lại giữa hai hãng đóng tàu nhất nhì Hàn Quốc, nếu thành công, sẽ tạo ra tập đoàn đóng tàu lớn nhất thế giới với 21% thị phần, đã bị phía EU đình chỉ.

Thương vụ mua lại được đề xuất giữa 2 công ty đóng tàu hàng đầu của Hàn Quốc, bao gồm Hyundai Heavy Industries và Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering Co., đã lâm vào bế tắc từ hơn một năm trước và đến giờ vẫn bị treo, do cơ quan quản lý chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU) không có dấu hiệu tiếp tục điều tra về thỏa thuận này.

Năm 2019, Hyundai Heavy Industries Holdings Co., công ty mẹ của tập đoàn đóng tàu toàn cầu Hyundai Heavy Industries Co., đã ký một thỏa thuận với Ngân hàng Phát triển Nhà nước Hàn Quốc (KDB) để mua Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering Co., công ty đóng tàu lớn thứ hai thế giới theo doanh số bán hàng.

Thỏa thuận này phải nhận được sự chấp thuận của các cơ quan quản lý chống độc quyền ở Liên minh châu Âu (EU) và năm quốc gia - Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Kazakhstan và Nhật Bản.

Trung Quốc, Kazakhstan và Singapore đã đồng ý với thỏa thuận, nếu thành công, sẽ tạo ra tập đoàn đóng tàu lớn nhất thế giới với 21% thị phần.

Ủy ban châu Âu (EC) bắt đầu điều tra sâu về thỏa thuận này vào tháng 12/2019, vì họ bày tỏ lo ngại giao dịch này có thể làm giảm đáng kể sự cạnh tranh trên thị trường đóng tàu chở hàng, điều này có thể dẫn đến giá cao hơn, ít sự lựa chọn hơn và giảm động lực cho đổi mới.

Đóng tàu chở hàng là một ngành công nghiệp quan trọng của EU. Vận tải biển chiếm khoảng 30% thương mại hàng hóa nội bộ EU và 90% thương mại hàng hóa bên ngoài EU.

Các công ty vận tải biển châu Âu là khách hàng lớn của 2 công ty đóng tàu Hàn Quốc và đại diện cho 30% nhu cầu tàu chở hàng trên toàn thế giới.

EC đã ngừng cuộc điều tra chống độc quyền đối với thỏa thuận này từ tháng 7/2020, với lý do thiếu thông tin cần thiết để phê duyệt thỏa thuận do Hyundai Heavy cung cấp.

Maria Tsoni, phát ngôn viên của EC, cho biết trong một bình luận gửi qua email cho Hãng thông tấn Yonhap rằng, cuộc điều tra đã bị đình chỉ, và EC không có bình luận gì thêm vào thời điểm này.

Hyundai Heavy Industries là tập đoàn đóng tàu lớn nhất thế giới, có trụ sở chính tại Ulsan, Hàn Quốc. Ảnh: Asean Records World

Hyundai Heavy cho biết, họ đã cố gắng hết sức để có được sự chấp thuận từ EC. Tuy nhiên không có chi tiết nào về nỗ lực này được đưa ra.

Hôm 5/10, Ủy ban Thương mại Công bằng - cơ quan quản lý chống độc quyền của Hàn Quốc - cho biết, họ có kế hoạch kết thúc việc xem xét lại thỏa thuận vào cuối năm nay.

Việc tiếp tục trì hoãn phê duyệt thỏa thuận đã làm lan rộng làn sóng phản đối từ các công nhân và đoàn thể tại Daewoo Shipbuilding.

Họ phản đối thỏa thuận này, vì nó có thể đe dọa cắt giảm việc làm của họ và gây ra sự sụp đổ của chuỗi cung ứng trong ngành vận tải biển địa phương.

Daewoo Shipbuilding có một nhà máy đóng tàu ở đảo Geoje, cách Seoul khoảng 400 km về phía nam.

Hyundai Heavy Industries Holdings có 3 nhà máy đóng tàu, bao gồm Hyundai Heavy Industries Co., Hyundai Samho Heavy Industries Co. và Hyundai Mipo Dockyard Co.

Minh Đức (Theo Yonhap)