Thế giới

Thương vụ “một mũi tên trúng hai đích” của gã khổng lồ Amazon

Bên cạnh lợi ích về mặt tài chính, đợt IPO Rivian còn là chìa khóa để Amazon cắt giảm mức độ thiệt hại đối với môi trường mà tập đoàn gây ra.

Tuần này, vụ “đặt cược lớn” của Amazon vào hãng xe điện Rivian Automotive đã được đền đáp xứng đáng khi Rivian có màn ra mắt bùng nổ trong đợt phát hành lần đầu ra công chúng (IPO). 

Thành công lớn cho Amazon

Rivian (RIVN.US) – công ty có trụ sở ở Irvine, California – phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với giá 78 USD/cổ phiếu vào ngày 8/11, nhờ đó huy động được gần 12 tỷ USD. Đây là vụ IPO lớn nhất ở Mỹ kể từ sau màn ra mắt ấn tượng 16 tỷ USD của Facebook vào năm 2012.

Theo CNBC, giá trị vốn hoá của Rivian hiện đang ở mức định giá cao “ngất ngưởng” hơn 110 tỷ ÚD vào ngày 14/11, vượt qua cả những “gã khổng lồ” cùng ngành ô tô như GM hay Ford. 

Kết quả từ đợt IPO Rivian đã mang lại thành công lớn cho Amazon về mặt tài chính - tập đoàn đã rót vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ USD vào Rivian. Hiện nay, 20% cổ phần của Amazon tại Rivian trị giá hơn 21 tỷ USD. Bên cạnh đó, đợt IPO này còn là chìa khóa để Amazon giải quyết một trong những nhiệm vụ thách thức nhất hiện nay- cắt giảm mức độ thiệt hại đối với môi trường mà tập đoàn gây ra. Tập đoàn Amazon vận chuyển 10 tỷ mặt hàng mỗi năm thông qua mạng lưới phân phối khổng lồ bao gồm máy bay, xe tải và tàu thủy, tạo ra lượng phát thải CO2 đáng kể.

Năm 2019, ông Jeff Bezos, người sáng lập kiêm chủ tịch điều hành Amazon, cam kết sẽ đưa lượng phát thải carbon của “gã khổng lồ” thương mại điện tử bằng 0 đến năm 2040. Ngoài ra, ông tuyên bố mua 100 nghìn xe giao hàng chạy bằng điện Rivian Automotive và hy vọng sẽ có 10 nghìn xe trong số đó trên đường vào đầu năm tới.

Amazon đã tăng cường hoạt động vận chuyển nội địa hơn bằng cách xây dựng thêm nhiều kho chứa, giúp tăng tốc độ giao hàng và giảm lượng khí thải phụ thuộc vào máy bay. Nhưng theo tờ Washington Post, sự gia tăng lượng nhà kho gần khách hàng đồng nghĩa với nhiều xe giao hàng sẽ thực hiện các chuyến đi ngắn hơn khi vận chuyển. 

Mẫu bán tải điện R1T của Rivian. Ảnh: Bloomberg.

Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA), giao thông vận tải hiện là nguồn gây ô nhiễm khí hậu lớn nhất tại Mỹ, chiếm 29% tổng lượng phát thải khí nhà kính nước này. Vào năm 2020, khi hoạt động kinh doanh Amazon “lao đao” trước những “làn sóng tấn công” của đại dịch Covid-19 thì lượng khí thải cacbon vẫn ghi nhận tăng lên 19%, tuy nhiên mức phát thải trên mỗi USD hàng hóa đã giảm 16% so với năm trước.

Những bước đi vì môi trường

Ông Bilal Zuberi, một đối tác của công ty đầu tư Lux Capital, nhận định rằng chiến lược chính của Amazon đằng sau việc đầu tư vào Rivian là “đi trước và đón đầu” làn sóng phát triển xe điện sắp tới. Vào tháng 6/2020, thương vụ mua lại công ty xe hơi tự lái Zoox trị giá hơn 1 tỷ USD cho thấy một phần trong những nỗ lực của Amazon nhằm thúc đẩy điện khí hóa. Trong tương lai, cả công ty khởi nghiệp xe điện Rivian và xe tự lái Zoox đều phù hợp với mạng lưới hậu cần Amazon rộng lớn, giúp quá trình chuyển giao hàng hóa rẻ hơn, nhanh hơn và thân thiện với môi trường. 

Năm 2019, Amazon đã phát triển robot giao hàng chạy bằng điện Scout và tham gia vào một vòng gọi vốn có tổng giá trị 530 triệu USD của công ty khởi nghiệp xe tự lái Aurora Innovation Inc. Đầu năm nay, Amazon đã đặt hàng 1.000 hệ thống lái xe tự lái từ công ty khởi nghiệp Plus và được quyền chọn mua tới 20% cổ phần công ty này.

Nỗ lực đạt được cam kết giảm phát thải cacbon của Amazon không chỉ giới hạn ở hệ thống vận chuyển trên mặt đất. Vào tháng 5, Quỹ đầu tư chống biến đổi khí hậu Amazon’s Climate Pledge Fund đã rót vốn vào công ty chế tạo máy bay điện Beta Technologies, như một phần của vòng tài trợ trị giá 368 triệu USD. Vào tháng trước, Amazon đã cam kết sử dụng nhiên liệu không cacbon cho tàu thuyền vào năm 2040, được biết tập đoàn hiện đang sở hữu mạng lưới vận chuyển đường biển lớn.

Phạm Thu Thanh (theo CNBC)