Thế giới

Thương vụ M&A lớn nhất của “gã khổng lồ” mỹ phẩm Pháp L’Oréal

Tập đoàn L’Oréal của nữ tỷ phú giàu nhất thế giới Francoise Bettencourt Meyers từng mua lại nhiều hãng mỹ phẩm như Stylenanda (Hàn Quốc), Maybelline và CeraVe (Mỹ).

Tập đoàn mỹ phẩm Pháp L’Oréal của Pháp đã đồng ý mua lại Aesop, thương hiệu mỹ phẩm xa xỉ của Úc từ công ty Natura (Brazil).

Thỏa thuận mua lại phải được phê duyệt theo quy định và sẽ được thanh toán bằng tiền mặt vào ngày kết thúc đàm phán, dự kiến diễn ra vào quý III/2023.

Đây là vụ M&A quy mô lớn đầu tiên của L'Oréal kể từ tháng 5/2021 (sau khi giám đốc điều hành Nicolas Hieronimus tiếp quản công ty), cũng là vụ sáp nhập lớn nhất của hãng trong 25 năm qua, theo S&P Global Capital IQ.

Thỏa thuận này đánh dấu một bước đi khá khác biệt đối với L’Oréal, bởi họ đang mua lại một thương hiệu khá có tiếng trên thế giới. Trước đây, tập đoàn này thường thâu tóm các thương hiệu mới với quy mô nhỏ hơn để tự phát triển thị trường, tăng doanh số.

Bà Françoise Bettencourt Meyers thừa hưởng 1/3 cổ phần tập đoàn mỹ phẩm L'Oreal sau khi mẹ bà qua đời vào năm 2017, trở thành nữ tỷ phú giàu nhất thế giới. Ảnh: The National News

Không chỉ giúp mở rộng sự hiện diện của L’Oréal trên thị trường mỹ phẩm cao cấp, thương vụ 2,5 tỷ USD cũng hỗ trợ tài chính cho công ty Brazil trong bối cảnh tỉ suất lợi nhuận bị thu hẹp và nợ nần chồng chất.

Aesop là thương hiệu mang lại lợi nhuận cao nhất cho Natura với gần 400 cửa hàng mang về doanh thu 537 triệu USD vào năm 2022, tăng 21% so với một năm trước đó.

Năm 2022, Aesop đã mở các cửa hàng đầu tiên tại Trung Quốc, thị trường xa xỉ phẩm hàng đầu thế giới, và chứng kiến “hiệu suất mạnh mẽ ngoài mong đợi”. Công ty cũng cũng báo cáo mức tăng trưởng 2 con số trên tất cả các khu vực của kinh doanh vào năm ngoái.

Được thành lập vào năm 1987, Aesop đã phát triển nhiều sản phẩm chăm sóc da, tóc và cơ thể cao cấp với các thành phần từ thiên nhiên.

Từ cửa hàng đầu tiên được mở tại một bãi đậu xe ngầm ở ngoại ô Melbourne vào năm 2003, Aesop đã vươn ra toàn cầu với hàng chục địa điểm trên khắp New York và London.

Giám đốc khách hàng Suzanne Santos (trái) và giám đốc khu vực Úc và New Zealand Preet Bains của Aesop tại cửa hàng của công ty ở Melbourne, Úc. Ảnh: Financial Review

Natura đã mua lại phần lớn cổ phần của Aesop vào năm 2012 và nắm toàn quyền sở hữu công ty 4 năm sau đó. Aesop đã liên tục tăng trưởng, vượt xa các sản phẩm khác của Natura như Avon và The Body Shop.

Tuy nhiên, hãng mỹ phẩm Brazil đã phải đối mặt với một thời gian khó khăn khi cố gắng mở rộng ra toàn cầu do đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine, dẫn đến thâm hụt ngân sách.

Do đó, Natura đã cân nhắc việc bán một phần hoặc toàn bộ Aesop để thực hiện quá trình tái cơ cấu ở quy mô lớn hơn, với kỳ vọng phục hồi giá cổ phiếu và tăng cường hiệu quả tài chính.

Natura cho biết, công ty sẽ tập trung vào các ưu tiên chiến lược như hợp nhất các hoạt động ở Mỹ Latinh, đồng thời tối ưu hóa dấu ấn của Avon International và cải thiện hoạt động kinh doanh của The Body Shop sau khi thoái vốn khỏi Aesop.

Nguyễn Tuyết (Theo Bloomberg, Reuters)