Thế giới

Thương vụ 5 tỷ USD "chữa cháy" ngắn hạn cho Evergrande

Thỏa thuận sẽ là thương vụ bán tài sản lớn nhất của Evergrande từ lúc thành lập tập đoàn cho đến khi trở thành “gã khổng lồ ôm nợ”.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin ngày 4/10, China Evergrande sắp huy động được hơn 5 tỷ USD bằng cách bán phần lớn cổ phẩn trong chi nhánh quản lý tài sản bất động sản. Thỏa thuận sẽ là thương vụ bán tài sản lớn nhất của Evergrande từ lúc thành lập tập đoàn cho đến khi trở thành “gã khổng lồ ôm nợ”.

5 tỷ USD mà Evergrande huy động được từ việc bán tài sản sẽ giúp hãng trang trải các khoản thanh toán trái phiếu quốc tế trong 6 tháng tới. Evergrande đang phải đối mặt với khoảng 500 triệu USD các khoản thanh toán trả lãi đến hạn vào cuối năm nay, tiếp theo là kỳ hạn trái phiếu trị giá 2 tỷ USD vào tháng 3/2022.

Đối tác mua tài sản Evergrande là ai?

Theo Thời báo Hoàn cầu, Hopson Development, tập đoàn bất động sản có sự hậu thuẫn của Nhà nước, sẽ là đối tác sẽ mua lại 51% cổ phần của chi nhánh Evergrande Property Services Group với giá hơn 40 tỷ HKD (5,1 tỷ USD). Hiện tại cả Hopson và Evergrande đều chưa đưa ra bình luận gì về thương vụ.

Mức định giá tài sản này là giảm khoảng 17,5% so với mức định giá niêm yết vào tháng 12/2020 của Công ty Evergrande Property Services Group (mã 6666 HK), trong khi cổ phiếu của Tập đoàn Evergrande (mã 3333 HK) đã giảm 80% kể từ đầu năm nay. Ngược lại, cổ phiếu của Tập đoàn Hopson (mã 0754 HK) đã tăng 40% trong năm nay, đưa giá trị vốn hóa thị trường của tập đoàn đạt khoảng 60 tỷ HKD (7,8 tỷ USD).

Tập đoàn Evergrande cho biết đã yêu cầu tạm dừng giao dịch cổ phiếu tại sàn chứng khoán Hồng Kông (mã CK: 3333 HK) từ hôm thứ Hai ngày 4/10 để chuẩn bị một giao dịch lớn mà không thông báo chi tiết gì thêm. Công ty con Evergrande Property Services Group, từng niêm yết cổ phiếu tại thị trường Hồng Kông (Trung Quốc) từ cuối năm 2020, cũng cho biết đã đề nghị ngừng giao dịch cổ phiếu (mã CK: 6666 HK).

Nỗ lực giải quyết gánh nợ

Các nhà phân tích đánh giá việc thực hiện thỏa thuận này cho thấy Evergrande đang nỗ lực để giải quyết các nghĩa vụ nợ của mình. 

Theo Ezien Hoo, nhà phân tích của Tập đoàn Tài chính OCBC, cho biết “Việc bán tài sản có nghĩa rằng họ vẫn đang cố gắng huy động tiền mặt để thanh toán các khoản nợ. Đơn vị quản lý bất động sản là dễ bán nhất trong mọi thứ". 

Theo Gary Ng, nhà kinh tế cấp cao về châu Á Thái Bình Dương tại Ngân hàng Natixis nhận định rằng "Đây là một động thái tích cực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính Evergrande và chúng tôi mong đợi nhiều điều hơn thế nữa". "Tuy nhiên, phải nói rằng, giảm bớt một số tài sản có thể là không đủ. Chìa khóa để giải quyết cho khủng hoảng nợ Evergrande là các dự án xây dựng và bán hàng tồn kho".

Chủ tịch Tập đoàn Evergrande. ẢNH: SCMP.

Từng là một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc, nhưng giờ đây Evergrande đang phải “oằn mình” gánh trên lưng nghĩa vụ nợ hơn 300 tỷ USD, tạo nên làn sóng quan ngại sâu sắc cho các nhà đầu tư không chỉ trong nước mà cả trên phạm vi quốc tế.

Evergrande đã bỏ lỡ hạn trả lãi trái phiếu 83,5 triệu USD ngày 22/9 và 47,5 triệu USD ngày 29/9. Trên thực tế trong vòng 30 ngày sau đó, tức là sang tháng 10, mà Evergrande không thể thanh toán thì hai trái phiếu sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ. Nhưng theo những chủ nợ của Evergrande, hiện tập đoàn vẫn chưa thông báo gì với họ về cách giải quyết các khoản này.

Phạm Thu Thanh (theo REUTERS, CNN)