Dòng chảy pháp luật

Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử

Chiều 22/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.

Tại Hội nghị tổng kết thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), ông Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật cho biết: "Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Việc này là tiền đề, cơ sở quan trọng góp phần thi hành pháp luật hiệu quả, từ đó góp phần thiết thực phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo anh ninh trật tự, an toàn xã hội”.

Hội nghị khẳng định, sau thời gian triển khai Luật PBGDPL, với những kết quả đạt được, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đã phát huy vai trò là thiết chế nền tảng để tạo lập khung khổ pháp lý đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hoạt động và phát triển ổn định, ngày càng có chiều sâu, thực chất, hiệu quả.

Qua đó, góp phần bảo đảm quyền được thông tin pháp luật, hình thành thói quen chủ động học tập, nâng cao ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Người dân đã dần chủ động, tích cực trong việc tự tập, tìm hiểu pháp luật, sử dụng pháp luật như công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân.

Tuy nhiên, Luật PBGDPL đã được ban hành 10 năm, đến nay về cơ bản các điều kiện kinh tế, xã hội, trình độ dân trí pháp lý của người dân và yêu cầu của Đảng và Nhà nước đối với công tác này đã có nhiều thay đổi.

Cách thức tiếp cận pháp luật ngày càng đa dạng và theo xu thế phát triển của cách mạng khoa học công nghệ, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin. Vì vậy, nhiều quy định của Luật PBGDPL đã trở nên không còn phù hợp, đã được bộ, ngành, đoàn thể trung ương và các địa phương nhận diện rõ, kiến nghị đề xuất chuyển đổi bổ sung.

Hội nghị cho biết, ngày 9/11/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 27 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó khẳng định quan điểm: Bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật.

Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật; lấy con người là trung tâm, chủ thể và động lực phát triển đất nước. Đến năm 2030, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội.

Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu tại Hội nghị 

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh công tác PBGDPL là khâu đầu tiên của quá trình thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống trong thời gain tới phải đảm bảo được tính toàn diện, có trọng tâm, có trọng điểm về nội dung đối tượng, địa bàn, hướng mạnh về cơ sở, lấy người dân làm trung tâm.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp, phương hướng công tác PBGDPL trong thời gian tới là phải tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật đáp ứng công tác PBGDPL trong tình hình mới. Phát huy ý thức chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, nhân dân.

Tiếp đó phải tăng cường công tác quản lý nhà nước về PBGDPL. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của các cơ quan, tổ chức, địa phương, đổi mới việc thực hiện đánh giá công tác.

Quan trọng là phải đổi mới PBGDPL theo hướng lấy người dân làm trung tâm, hướng về cơ sở. Nội dung, hình thức phù hợp với địa bàn; ưu tiên các đối tượng đặc thù, thế yếu trong xã hội.

Bên cạnh đó thực hiện chuyển đổi số công tác PBGDPL, coi đây là giải pháp căn cơ để đổi mới, đưa công tác PBGDPL vào thực chất, đáp ứng nhu cầu tự học tập, tìm hiểu pháp luật của người dân.

Cuối cùng đó là phải chú trọng nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác PBGDPL. Đề xuất giải pháp đảm bảo kinh phí công tác ở vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn lực xã hội.

Mỹ Sao