Dân sinh

Thưởng Tết bằng con gà, thùng mỳ tôm

Với những người lao động tự do, thưởng Tết dường như là một điều gì đó quá xa vời. Thậm chí, có những người chưa bao giờ được cầm một đồng tiền thưởng Tết…

Thưởng Tết là điều xa xỉ!

Hàng năm, cứ vào dịp cuối năm là người lao động lại mong ngóng thưởng Tết. Bởi, ai cũng nghĩ rằng “làm cần cù cả năm cũng chỉ mong có được một khoản tiền thưởng Tết khấm khá”. Thế nhưng, ở một góc nào đó, không phải ai cũng may mắn nhận được những khoản thưởng Tết “khủng”.

Trong những ngày cận kề Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, PV báo điện tử Người Đưa Tin được lắng nghe tâm sự của những người lao động đi làm ăn xa nhà về câu chuyện thưởng Tết.

Hơn 20 năm đi nhặt nhạnh đồng nát, chị Nguyễn Huyền (Hà Nội) cho hay đã từ lâu rồi chị không còn biết đến khái niệm thưởng Tết.

“Tôi làm công việc đồng nát cũng đã được 20 năm.Cách đây 5 năm chồng tôi qua đời để lại cho tôi hai người con nhỏ.

Từ ngày thiếu vắng chồng, tôi phải lo lắng cho các con nhiều hơn. Hằng ngày tôi đi dọc các con phố, có thứ gì đáng tiền mà người ta bỏ đi là nhặt sau đó bán lại cho các đại lý thu mua. Công việc tuy vất vả, nhưng con cái được ăn học đàng hoàng là tôi vui rồi”, chị Huyền bộc bạch.

Nhắc đến chuyện thưởng Tết khi Tết đang đến cận kề, chị Huyền bảo: “Đã lâu lắm rồi tôi không còn nhớ nổi khái niệm thưởng Tết là gì. Thi thoảng có người trêu nhau là năm nay tự thưởng Tết cho mình món quà gì đó. Lúc đó, tôi đều lắc đầu cười trừ.

Ai mà chẳng mong thưởng, nhưng người lao động như tôi vì không có đồng thưởng Tết nào thì phải cố gắng làm việc, có khi đến đêm giao thừa vẫn đi làm”.

Người phụ nữ này bảo đã lâu lắm rồi chị không biết khái niệm thưởng Tết là gì.

Tương tự câu chuyện của chị Huyền, cô Phạm Thị Hương (Hà Nội) làm công việc lao động, hằng ngày đi thu mua lại những bao tải xi măng cũ.

Cô Hương chia sẻ: “Gọi là lấy công làm lãi, tôi đi mua về nhưng giá ở bên kia xuống thấp quá thì lại phải om qua Tết mới bán được. Vốn bỏ hết vào đó thì làm gì còn thưởng Tết, tiền tiêu Tết đâu. Có khi thưởng cho người làm một thùng mỳ tôm mang về, hay con gà nhà nuôi được coi như là quà Tết vậy”.

Còn anh Nguyễn Ba (quê Yên Bái) đang làm công nhân tại một khu công nghiệp ở Bình Dương tâm sự: “Tôi vào trong này làm ăn đã được 4 năm, nhưng duy nhất chỉ có năm trước là tôi về Tết vì có tí tiền thưởng.

Còn năm nay, tôi phải báo bố mẹ là không về vì bận tăng ca. Nhưng, thực tế là khoản thưởng Tết không đáng là bao. Về quê còn phải lo đủ thứ, rồi ai cũng nghĩ đi làm ăn xa thì chắc có nhiều tiền tiêu Tết. Vì thế, năm nay tôi quyết định ở lại không về”.

Có người đi làm ăn xa vì không có thưởng Tết nên họ đành ở lại ăn Tết xa nhà (Ảnh minh họa).

Không có thưởng, Tết vẫn vui

Chia sẻ với PV, bà Nguyễn Thị Năm (Hưng Yên) đang làm công nhân cho biết: “Tôi lớn tuổi rồi nên đi làm phải qua trung gian nộp hồ sơ, mọi chế độ cũng ít hơn với những ai có bằng tốt nghiệp THPT.

Vì thế, lúc đầu tôi cũng ngóng thưởng Tết lắm, nghĩ mình đi làm thời vụ vài tháng thì đến Tết chắc cũng được thưởng. Mới đây nhận thông báo thì chẳng có tên mình trong danh sách được thưởng. Tôi cũng buồn vì không có thưởng thì sắm Tết sao.

Chồng ở nhà động viên, không có nhiều thì sắm ít, vẫn có bánh chưng, thịt là được rồi. Nghĩ vậy là tôi cũng đỡ buồn hơn. Không có thưởng, thì Tết gia đình tôi vẫn vui vẻ, quây quần với nhau”.

Anh Hoàng Việt (Hà Nam) chia sẻ: “Đi làm cả năm, ai cũng mong khoản thưởng Tết, như tôi làm nhân viên ship hàng cũng mong vậy. Nhưng, không có thì cũng đành chịu. Coi như khoản đó không tồn tại và cả nhà quây quần cùng nhau, chúc nhau những điều tốt đẹp trong năm mới. Vậy là khoản thưởng Tết kia cũng quên đi”.

Với nhiều người lao động, khoản tiền thưởng Tết là điều gì đó mà họ chưa từng dám mơ tới. Thế nhưng, trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, những người lao động đều bày tỏ thêm rằng, dù không có thưởng Tết thì cả gia đình họ vẫn luôn vui vẻ, cùng nhau phấn đấu trong năm mới.