Thế giới

Thương mại EU-Nga lao dốc

Giá trị các lệnh trừng phạt Nga của EU kể từ khi bắt đầu xung đột ở Ukraine lên tới 43,9 tỷ euro đối với hàng xuất khẩu và 91,2 tỷ euro đối với hàng nhập khẩu.

Thương mại của Liên minh châu Âu (EU) với Nga đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, với thị phần của Nga trong xuất nhập khẩu của EU hiện dưới mức 2%, theo dữ liệu do cơ quan thống kê Eurostat của EU công bố hôm 1/9.

Dữ liệu mới nhất cho thấy trong khi 9,6% hàng nhập khẩu của EU đến từ Nga vào tháng 2/2022, khi Moscow bắt đầu đưa quân vào Ukraine, con số này đã giảm xuống còn 1,7% vào tháng 6 năm nay. Tỉ trọng xuất khẩu của EU sang Nga giảm từ 3,8% xuống 1,4% trong cùng kỳ.

Các số liệu thống kê cho thấy các biện pháp trừng phạt thương mại của EU đang có tác động như mong muốn và đang hạn chế nghiêm trọng dòng chảy hàng hóa của Nga vào khối này.

Giá trị các lệnh trừng phạt của EU kể từ khi bắt đầu cuộc chiến lên tới 43,9 tỷ euro đối với hàng hóa xuất khẩu và 91,2 tỷ euro đối với hàng hóa nhập khẩu, theo Ủy ban châu Âu (EC).

Khi xung đột bắt đầu hơn 18 tháng trước, thâm hụt thương mại của EU với Nga tạm thời tăng lên khi giá năng lượng đạt đỉnh, với giá trị nhập khẩu của EU từ Nga vượt quá xuất khẩu 18,5 tỷ euro vào tháng 3/2022. Con số này chỉ ở mức 0,4 tỷ euro vào tháng 6/2023, tăng nhẹ so với mức thấp 0,1 tỷ euro vào tháng 3 năm nay.

Nhập khẩu giảm rõ rệt là do nỗ lực của EU nhằm loại bỏ các sản phẩm năng lượng từ Nga, với thâm hụt thương mại đối với các sản phẩm năng lượng giảm từ 40,4 tỷ euro trong quý II/2022 xuống chỉ còn 5,7 tỷ euro trong quý II/2023.

Tỉ trọng nhiên liệu hóa thạch như than đá, khí đốt và dầu mỏ được nhập khẩu vào EU từ Nga đã giảm đáng kể.

Người phát ngôn của EC cho biết hôm thứ 31/8 rằng EU đã cắt giảm tỉ lệ nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga từ 24% vào năm 2022 xuống chỉ còn 15% trong nửa đầu năm 2023.

Mặc dù vậy, một phân tích của Global Witness hôm 30/8 tiết lộ rằng lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ Nga vào EU trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay đã tăng 39,5% so với cùng kỳ năm 2021, thời điểm trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Điều này cho thấy EU tiếp tục phụ thuộc vào Nga về năng lượng, chỉ thay thế khí đốt đường ống bằng loại nhiên liệu siêu lạnh vận chuyển bằng tàu biển.

Trong khi đó, EU đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu các sản phẩm của Ukraine – bao gồm cả ngũ cốc cần thiết cho sản xuất lương thực trên toàn thế giới – thông qua các tuyến “Hành lang Đoàn kết” khi các cảng Biển Đen của nước này bị Nga phong tỏa.

Sáng kiến này được thúc đẩy bởi một cơ chế thương mại đặc biệt giúp miễn thuế cho nhiều mặt hàng xuất khẩu của Ukraine.

Từ tháng 5/2022 đến cuối tháng 7 năm nay, “Hành lang Đoàn kết” của EU đã cho phép 88 triệu tấn hàng hóa trị giá 35 tỷ euro được vận chuyển từ Ukraine, bao gồm gần 49 triệu tấn nông sản như ngũ cốc.

Tuy nhiên, động thái của EU đã gây ra tình trạng dư thừa nguồn cung ngũ cốc ở các nước EU tuyến đầu giáp Ukraine – bao gồm Ba Lan, Hungary, Slovakia, Romania – khiến giá cả nông sản của chính các nước này lao dốc và làm suy giảm lợi nhuận của nông dân địa phương. Lệnh cấm tạm thời bán ngũ cốc Ukraine ở các nước này sẽ hết hạn vào ngày 15/9.

Minh Đức (Theo Euronews, Reuters)