Sự kiện

Thương, bệnh binh nặng, "tàn nhưng không phế"

Các thương, bệnh binh tại trung tâm điều dưỡng thương binh tỉnh Bắc Ninh cho thấy, "tàn nhưng không phế" khi vẫn có thể chủ động cuộc sống như người bình thường.

Sau gần 60 năm hoạt động, trung tâm điều dưỡng thương binh tỉnh Bắc Ninh nằm tại xã Ninh Xá (huyện Thuận Thành) đã tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, điều trị và phục hồi chức năng lao động cho hơn 1.000 thương binh, bệnh binh nặng bị thương ở các chiến trường, đến từ khắp các nơi trên toàn quốc về đây an dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng.

Trò chuyện với PV, ông Nguyễn Văn Tứu (SN 1949, quê ở huyện Mê Linh, Tp.Hà Nội) có tỉ lệ thương tật 100%. cho biết, năm 1969 đi bộ đội và bị thương cột sống ở mặt trận Tây Nam, sau đó dẫn đến liệt hai chân. Hiện một chân đã phải tháo bỏ do tái phát chấn thương ở khớp háng.

Dù chiến tranh đã lùi xa nhiều chục năm nhưng những vết thương của chiến tranh vẫn còn hiện hữu trên cơ thể của những người lính. 

"Mỗi khi trái gió trở trời, thời tiết thay đổi thì các vết thương cũ lại gây ra những cơn đau nhức tê tái, tuy nhiên tại trung tâm chúng tôi nhận được sự quan tâm về vật chất lẫn tinh thần của y, bác sĩ không quản ngại khó khăn, vất vả, trực 24/24, chăm sóc tận tình", ông Tứu nói.

Các thương, bệnh binh luôn tỏ ra lạc quan và yêu đời. “Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống vật chất của các thương, bệnh binh càng được nâng cao, trước đây chỉ là nhà cấp 4 tạm bợ nhưng nay là hệ thống phòng ốc khang trang, thoáng mát đầy đủ tiện nghi”, ông Tứu chia sẻ.

Thương binh Trần văn Hùng, quê tại Đông Anh (Tp.Hà Nội) đi bộ đội năm 1971 và bị thương ở mặt trận Tây Nguyên năm 1974 với tỉ lệ mất sức 91%.

Các y, bác sĩ không quản ngại khó khăn, vất vả, trực 24/24, chăm sóc tận tình khi có yêu cầu đến từ các thương, bệnh binh.

Mỗi khi trái gió trở trời, thời tiết thay đổi thì các vết thương cũ lại tái phát gây ra những cơn đau nhức cho ông Hùng.

Các y, bác sĩ tận tình chăm sóc sức khỏe cho các thương, bệnh binh mỗi khi có cần điều trị.

Thương binh Vũ Văn Ý (quê huyện Lương Tài, Bắc Ninh) cho biết, tỉ lệ thương tật 93%, mỗi khi trái gió, trở trời vùng bị thương nơi đốt sống lưng lại đau nhức vô cùng.

Tuy nhiên, vẫn luôn lạc quan và nở những nụ cười rạng rỡ.

Thương binh Đỗ Đăng Khuê (quê tại Thái Bình) cho biết, nhập ngũ năm 1967 và bị thương ở mặt trận Nam Lào năm 1972. 

"Dù cụt hai tay nhưng tôi vẫn tự nấu ăn và sinh hoạt bình thường, cuộc sống của chúng tớ ở đây rất thoải mái bởi được sự quan tâm chu đáo của Đảng, Nhà nước và cả xã hội", ông Khuê vui vẻ nói.

Thương binh Vũ Văn Ngậu sinh năm 1949 (quê ở Hưng Yên) cho biết, đi bộ đội năm 1967 và bị thương trong kháng chiến chống Mỹ năm 1973 mất sức 90%. 

"Từ năm 1976 tôi được đưa ra đây để điều trị, tuy nhiên mặc dù có nhà bếp nấu cho nhưng tôi muốn tự mình nấu ăn, một mình cho thoải mái", ông Ngậu nói.

Các thương, bệnh binh chứng tỏ dù "tàn nhưng không phế" vẫn có tự mình vo gạo nấu cơm, nhặt rau nấu canh và sinh hoạt theo ý minh.

Thương binh Nguyễn Duy Phâng (SN 1946, quê tại Hải Phòng) đi bộ đội từ năm 1966 và bị thương trong quá trình kháng chiến chống Mỹ vẫn tự mình ngồi vá tấm vải lót ghế bằng kim chỉ.

Thương binh Hoàng Văn Thường (SN 1958, quê tại Hải Phòng) bị thương từ chiến dịch Campuchia đưa cháu ngoại đi dạo trong khuân viên trung tâm bằng chiếc xe lăn của mình.