Kinh tế vĩ mô

Thuộc nhóm xuất khẩu trên 10 tỷ USD, ngành điện tử vượt dịch thế nào?

Do nhu cầu thị trường tăng cao trong đại dịch, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cũng nhờ đó mà tăng mạnh trong năm 2021.

Doanh nghiệp tư nhân và FDI ít chịu ảnh hưởng bởi dịch hơn 

Theo đánh giá của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF, Bộ KH&ĐT), ngành điện tử của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khá nhanh qua các năm và ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của nền kinh tế.

Xét về kết cấu theo quy mô, chủ yếu các doanh nghiệp trong ngành điện tử, vi tính, điện thoại là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (chiếm 83,8%), doanh nghiệp lớn chiếm tỉ lệ 13,6%. Đặc biệt, tỉ lệ doanh nghiệp FDI trong ngành lên đến 37%.

Trong năm 2021, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hầu hết các ngành do sự gián đoạn chuỗi cung ứng và giảm cầu. Ngành điện tử, linh kiện và điện thoại cũng không tránh khỏi tác động tiêu cực này tuy nhiên không quá nặng nề.

Kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy, có 90% các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp điện tử, linh kiện điện tử, vi tính và điện thoại bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trong đó 100% các doanh nghiệp Nhà nước và 86% doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân bị ảnh hưởng tiêu cực.

“Covid-19 tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp Nhà nước nhiều hơn doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI”, Tổng cục Thống kê nêu.

Xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng mạnh trong năm 2021 do nhu cầu thị trường tăng cao.

Theo khảo sát, 100% doanh nghiệp Nhà nước đã cắt giảm lao động do Covid-19 trong khi tỉ lệ này tại doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI lần lượt là 47% và 38%. Các doanh nghiệp vừa nhỏ và siêu nhỏ trong ngành bị ảnh hưởng nặng hơn các doanh nghiệp lớn.

Cụ thể, trên 42% các doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ đã phải cắt giảm lao động trong khi đó, chỉ có 38,3% các doanh nghiệp lớn phải cắt giảm lao động. 33% doanh nghiệp siêu nhỏ bị giảm doanh thu trong thời gian bị đại dịch, trong khi con số này là 27% đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ và chỉ có 25% doanh nghiệp lớn bị giảm doanh thu.

Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ở các thị trường truyền thống của Việt Nam nhưng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này vẫn có mức tăng trưởng cao.

Trong 11 tháng năm 2021, có 34 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD (chiếm 66,5%) bao gồm: Điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 51,9 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước; Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 45,5 tỷ USD, tăng 13%;

Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 34 tỷ USD, tăng 41,6%; Hàng dệt may đạt 29,1 tỷ USD, tăng 8%; Giày dép đạt 15,8 tỷ USD, tăng 5,1%; Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 13,4 tỷ USD, tăng 21,1%; Sắt thép đạt 10,8 tỷ USD, tăng 130,5%.

Theo đánh giá của NCIF, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng mạnh là do nhu cầu thị trường tăng cao (ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến người lao động bắt buộc phải làm việc tại nhà).

Ngoài ra, dịch Covid-19 khiến các công ty sản xuất máy tính tại Trung Quốc - công xưởng sản xuất của thế giới phải đóng cửa, nhiều doanh nghiệp trang bị máy tính cá nhân cho lao động làm việc tại nhà, không đến công sở làm việc để phòng chống dịch bệnh lây lan.

“Ngành điện tử tiếp tục được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng phục vụ thông tin liên lạc cũng như phương tiện làm việc trong điều kiện giãn cách xã hội vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngoài ra, dịch bệnh cũng khiến các công ty sản xuất máy tính, điện tử trên thế giới phải đóng cửa.

Do đó, trị giá xuất khẩu máy vi tính, linh kiện và sản phẩm điện tử Việt Nam cả năm 2021 có thể đạt khoảng 50 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2020”, NCIF dự báo.

Thu hút doanh nghiệp FDI đầu tư tăng mạnh

Trong giai đoạn 2016 - 2020, ngành điện tử Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực điện tử ngày càng tăng, nhiều hãng điện tử lớn trên thế giới đã đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao ở Việt Nam như Samsung, LG, Foxconn.

Bình quân năm trong giai đoạn này, chỉ số sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 13,94%, trong đó năm 2017 đạt mức tăng cao nhất 35,2%.

Các doanh nghiệp điện tử cũng rất năng động trên thị trường quốc tế, khoảng 25% doanh nghiệp điện tử tham gia vào hoạt động xuất khẩu. Giai đoạn 2016-2020 tỉ trọng xuất nhập khẩu của nhóm hàng điện tử và linh kiện điện tử (bao gồm cả điện thoại và linh kiện) đã tăng lên đáng kể.

Năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng điện tử và linh kiện điện tử (bao gồm cả điện thoại và linh kiện) chiếm khoảng 45% kim ngạch xuất khẩu cả nước, tăng thêm 12% từ năm 2016. Kim ngạch nhập khẩu chiếm khoảng 43% kim ngạch nhập khẩu cả nước, tăng thêm 10% từ 2016.

Cơ cấu về thị trường xuất, nhập khẩu của ngành điện tử, linh kiện, điện thoại cũng tập trung tại một số thị trường như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bàn, Hàn Quốc và EU.

Về cơ cấu xuất khẩu, năm 2020, Việt Nam xuất khẩu nhóm hàng sản phẩm máy tính, linh kiện điện tử chủ yếu sang các thị trường Mỹ (25%), Trung Quốc (27%), EU (13%) và  Hàn Quốc (8%). Về cơ cấu nhập khẩu, năm 2020, nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh và đã vượt Hàn Quốc trở thành thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam.