Tiêu điểm thế giới

Thực hư thông tin chó ở Hồng Kông nhiễm virus corona gây xôn xao dư luận

Một con chó ở Hồng Kông được xác nhận "dương tính yếu" với virus corona. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào cho thấy con chó này thực sự nhiễm bệnh.

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo chủ vật nuôi nên rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với thú cưng để bảo vệ cho bản thân trước nhiều nguy cơ lây bệnh khác nhau.

Chó, mèo và các động vật có vú khác là thú cưng của bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Hồng Kông (Trung Quốc) sẽ phải trải qua quá trình cách ly 14 ngày bắt buộc sau khi một con chó được xác nhận “dương tính yếu” đối với virus gây bệnh, tờ SCMP đưa tin hôm 28/2.

Trước đây, các thành viên trong gia đình được phép chăm sóc thú cưng của người nhiễm bệnh mà không phải cách ly. Tuy nhiên, với trường hợp nghi ngờ mới, các quan chức Hồng Kông đã có biện pháp đề phòng.

“Để đề phòng từ lúc này, chúng tôi sẽ yêu cầu chủ sở hữu giao mèo hoặc chó của họ cho Cơ quan Nông nghiệp, Ngư nghiệp và Bảo tồn (AFCD) để cách ly”, Tiến sĩ Chuang Shuk-kwan, người đứng đầu phòng bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Hồng Kông cho biết.

Trước đó, các bác sĩ thú y Hồng Kông đã kêu gọi dư luận bình tĩnh sau vụ việc một con chó được xác nhận “dương tính yếu” với virus corona. Con vật này thuộc về một người nằm trong số 94 trường hợp nhiễm bệnh ở Hồng Kông.

AFCD cũng nhấn mạnh, mặc dù kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy kết quả "dương tính yếu" nhưng không có bằng chứng nào cho thấy con vật nói trên có thể nhiễm virus corona thực sự hoặc là nguồn lây nhiễm.

Chiều 28/2, cơ quan Thực phẩm và Sức khỏe Hồng Kông cho biết đang tiến hành nhiều xét nghiệm để xác nhận xem con chó có thực sự bị nhiễm bệnh hay không, hay có thể mầm bệnh chỉ bám vào miệng và mũi của con vật.

Bác sĩ Michael Bradley từ Trung tâm thú y Stanley cho rằng rất khó để các loại thú cưng như chó và mèo có thể bị nhiễm virus corona, vì có rất ít virus có thể lây nhiễm sang các loài khác.

"Không cần phải hoảng sợ. Vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy virus này có thể lây nhiễm cho chó, mèo hoặc các động vật nuôi khác”, ông nói. “Có thể con chó chỉ mang theo mầm bệnh phát tán ra từ môi trường. Một con chó có thể là một vật mang virus giống như mọi thứ khác, như khăn giấy chẳng hạn”.

“Con chó được xét nghiệm 'dương tính yếu' bằng bệnh phẩm từ mũi và miệng, không phải từ xét nghiệm máu. Rất có khả năng mầm bệnh được phát tán từ chủ lên con vật”, Tiến sĩ David Get Breath từ Trung tâm thú y Creature Comforts cho biết.

Giáo sư David Hui Shu-cheong, một chuyên gia về hô hấp của Đại học Trung Văn, cũng nói rằng mặc dù kết quả có “dương tính yếu” nhưng điều đó không chắc là con vật đã nhiễm bệnh.

“Có thể là những giọt nước từ chủ vật nuôi bị nhiễm bệnh đã khiến con chó mang mầm bệnh”, ông Hui cho hay.

Ông nói thêm rằng cho đến nay không có bằng chứng nào cho thấy chó có thể bị nhiễm hội chứng hô hấp cấp tính nặng (Sars), hội chứng hô hấp Trung Đông (Mers) hoặc Covid 19.

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết không có bằng chứng nào cho thấy động vật hoặc thú cưng như chó hay mèo có thể bị nhiễm virus corona mới.

Tuy nhiên, tổ chức lưu ý rằng chủ vật nuôi nên rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với thú cưng để bảo vệ cho bản thân trước nhiều nguy cơ lây bệnh khác nhau, không chỉ riêng virus corona.