Sức khỏe

Thực hư “thần dược” nhuỵ hoa nghệ Tây – Saffron giá gần nửa tỷ/kg chữa bách bệnh?

Với những lời quảng cáo “có cánh”, nhuỵ hoa nghệ Tây – Saffron giúp chữa bách bệnh từ ung thư, trầm cảm, cải thiện sắc đẹp… không ít người mạnh tay chi tiền mua. Thế nhưng, các chuyên gia cảnh báo cẩn thận lợi bất cập hại.

Chữa ung thư, trẻ hoá làn da

Gần đây, trên mạng xã hội nhiều người rao bán nhuỵ hoa nghệ Tây với công dụng được mô tả là thần dược chữa bách bệnh. Những thông tin này ngập tràn trên Facebook với đầy đủ những lời mời chào “có cánh”.

“1 ngày uống 4 chai nước ngâm nhuỵ hoa nghệ Tây saffron như này sau 2 tuần đảm bảo đẹp nha”, là lời quảng cáo bán hàng của nickname X.S. 

Chưa hết, nicname N.H. mời chào: “Mỗi ngày 2-3 bình nước Saffron - Nhuỵ hoa nghệ Tây bí quyết làm đẹp của các nữ hoàng, hàng chính gốc Iran, đảm bảo 1 tháng da đẹp liền, chống chữa nhiều bệnh luôn. Chi tiết công dụng inbox em chỉ liền. Quyết tâm tháng tới dùng liên tục chứ thấy mấy chị da đẹp ơi đẹp em khoái quá mấy chị ơi.

Hàng em chuẩn xịn em mới bán. Phương châm của em là hàng em dùng phải chuẩn nhất em mới dùng và dùng ổn em mới bán. Nên các chị khỏi lăn tăn hỏi em hàng em thật hay giả và loại có tốt không nha”.

Những lời quảng cáo về "thần dược" chữa bách bệnh trên mạng xã hội.

Kèm theo đó là công dụng của Saffron.

Trong khi đó, nickname Q.A liệt kê các công dụng của Saffron: “Giúp chữa bệnh mất ngủ rất thần kỳ. Ngăn chặn sự hình thành của các tác nhân gây ra ung thư. Hỗ trợ điều trị trầm cảm, tăng cường cải thiện trí nhớ, giúp giảm căng thẳng, giảm stress. Điều hoà huyết áp, tốt cho sức khoẻ tim mạch do đặc tính chống oxy hoá và kháng viêm trong nhuỵ hoa nghệ Tây giúp duy trì hoạt động của động mạch và mạch máu khoẻ mạnh. Giảm các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt. Cải thiện thị lực…”.

Theo tìm hiểu của phóng viên báo Người Đưa Tin, nhuỵ hoa nghệ Tây có giá không hề rẻ, dao động từ 200-350 nghìn đồng/1gram có nơi giá khoảng 450 nghìn đồng/gram (tương đương với 450 triệu đồng/kg). Thế nhưng, với những lời quảng cáo hấp dẫn này, không ít chị em đã không ngại ngần chi tiền với mong muốn chữa bách bệnh, cải thiện làn da.

Loại nhuỵ hoa nghệ Tây này có giá không hề rẻ. 

Chị Thanh Huyền (Hà Nội) cho biết: “Một tháng vừa qua, tôi hay bị mất ngủ, ngủ không sâu. Tình cờ lướt Facebook thấy một người bạn bán nhuỵ hoa nghệ Tây, mỗi lần lấy khoảng 3-4 sợi pha với 1-2 lít nước uống trong ngày. Tôi mới dùng cũng chưa thấy công dụng mấy”.

Anh Nguyễn Huy Doan (Hà Nội) chia sẻ: “Vì thấy quảng cáo chữa bách bệnh, đặc biệt là ngăn ngừa ung thư nên tôi có mua về cho cả nhà uống đề ngăn ngừa bệnh. Giá cả thì cũng đắt, nhưng nếu ngăn ngừa, chữa được bệnh và hiệu quả thì cũng đáng”.

Trong khi đó, chị Thu Hường (Hà Nội), thì lại bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng về chất lượng của nhuỵ hoa nghệ Tây: “Tôi cũng vừa mua về dùng, nhưng thấy trên mạng nhiều người bán quá cũng chưa biết công dụng thực sự thế nào. Trót mua rồi nên tôi cứ dùng thử, đằng nào cũng chi một khoản tiền kha khá ra rồi”.

Chuyên gia cảnh báo 

Trước lời quảng cáo về công dụng thần dược của nhuỵ hoa nghệ Tây, trao đổi với phóng viên, lương y Vũ Quốc Trung (hội đông y Hà Nội) cho biết: “Trong các sách đông y cổ của Việt Nam không có ghi chép lại về công dụng của loại cây này. Còn trên mạng truyền tai nhau công dụng như vậy thì cần phải có cơ sở từ các chuyên gia y tế, chứ chưa nên vội tin lời quảng cáo trên mạng”. 

Sợi nhuỵ hoa nghệ Tây được gọi là "vàng đỏ". 

Cũng trao đổi thêm với phóng viên, PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho hay hiện chưa có tài liệu nào nghiên cứu về công dụng của nhuỵ hoa nghệ Tây.  

“Còn nếu nói nhuỵ hoa nghệ Tây có tác dụng chữa ung thư thì tôi cho rằng có thể có ảnh hưởng, nhưng về nguyên lý khoa học chỉ là ở một mức độ thôi, chứ không thể chữa được.  Vì thế, người tiêu dùng cần cẩn trọng khi mua và dùng các sản phẩm này”, PGS.TS Trần Đáng cho hay.

Saffron là tên gọi của một loại gia vị được sản xuất từ nhụy hoa nghệ Tây, một loài cây lâu năm cho hoa vào mùa thu. Loài cây này thích ứng tốt với khí hậu đặc biệt của vùng đất Địa Trung Hải. Những quốc gia như: Iran, Hy Lạp, Maroc và Kashmir được cho là thủ phủ của việc trồng và sản xuất saffron.