Sự kiện

Thúc đẩy xuất khẩu nông sản theo đường biển để ứng phó dịch Covid-19

Thực tế có nhiều doanh nghiệp Việt đã khai thác tốt đường biển nhưng một số chủ hàng ngại thay đổi nên vẫn chấp nhận rủi ro, xuất khẩu hàng hóa theo đường bộ.

Diễn đàn kết nối nông sản 970 với chủ đề “"Thúc đẩy liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau quả" đã được Bộ NN-PTNT tổ chức vào sáng ngày 13/1.

Nghịch lý xuất- nhập khẩu container lạnh

Phát biểu tham luận tại Diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, tháng 11/2021, Việt Nam xuất khoảng 1.400 container lạnh từ Tp.HCM đi Trung Quốc, tháng 12/2021 do việc tắc biên đường bộ khiến xuất khẩu đường biển tăng đột biến, lên đến hơn 4.000 container.

“Đối với các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu theo đường biển, phía Việt Nam sử dụng container lạnh. Trong khi đó, hàng khô nhập về từ Trung Quốc lại dùng container thường gây nên tình trạng mất cân đối, thiếu vỏ container lạnh, buộc chúng ta phải nhập vỏ container lạnh rỗng từ Trung Quốc hoặc từ những nơi khác về”, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu chỉ ra nguyên nhân gây thiếu container xuất khẩu.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng tươi sống ngần ngại khi chọn xuất khẩu theo đường biển do một số đặc thù của loại hình vận chuyển này. Hàng hóa vận chuyển bằng container lạnh đòi hỏi phải có ổ cắm điện trên tàu cũng như ở cảng, bãi để duy trì nhiệt độ thấp. Khi nhu cầu tăng cao sẽ dẫn đến tình trạng cơ sở vật chất (ổ cắm điện-PV)  không đủ để đáp ứng.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải

Một loại hình xuất khẩu nông sản khác được ông Hải gợi ý là đường sắt khi cho biết, từ tháng 2/2020, Việt Nam- Trung Quốc đã đưa vào khai thác tuyến đường sắt liên vận quốc tế, vận chuyển các container lạnh có lộ trình từ ga Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) lên ga Đồng Đăng (Cao Lộc, Lạng Sơn) sang ga Bằng Tường (Trung Quốc) với năng suất bình quân đạt 100 container mỗi tháng, cao điểm từ 180 đến 200 container hàng hóa.

Nhưng cho dù là xuất khẩu theo hình thức nào, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cũng lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức lưu ý các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc hàng hóa…do phía Trung Quốc đặt ra.

Thay đổi tư duy, lựa chọn loại hình xuất khẩu phù hợp

Nhận định về nguyên nhân gây nên tình trạng ùn tắc trong xuất khẩu đường bộ vừa qua, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, tác động đến từ nguyên nhân “kép”, thu hoạch nông sản của Việt Nam vào vụ và chính sách siết chặt kiểm soát dịch bệnh “Zero Covid” của phía Trung Quốc.

Theo ông Hải, hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc hiện nay chủ yếu tập trung ở các cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), Lạng Sơn và Lào Cai. Loại hình xuất khẩu theo đường bộ phù hợp cho những lô hàng số lượng nhỏ, giao thương theo nhu cầu cá thể giữa người dân và doanh nghiệp hai nước nhưng năng lực thông quan còn thấp, dễ dẫn đến tình trạng ùn tắc xuất khẩu, nhất là vào những giai đoạn thu hoạch chính vụ.

“Nhu cầu xuất khẩu đường biển trong tháng 12/2021 tăng đột biến là do đường bộ bị ùn tắc. Tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn chung của vận tải biển trên toàn thế giới, các chủ tàu thường ưu tiên hàng khô hơn hàng lạnh vì hàng khô không phải bảo quản nghiêm ngặt như hàng lạnh”.

Cần cân đối giữa các loại hình xuất khẩu

Để tiêu thụ ổn định, giảm bớt các rủi ro, thiệt hại, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, cần cân đối giữa các loại hình xuất khẩu. Điều kiện tiên quyết để hoạt động xuất khẩu theo đường biển đạt hiệu quả như mong muốn là doanh nghiệp và người dân cần phải thay đổi tư duy, sẵn sàng từ chối những yêu cầu bất lợi từ phía bạn hàng, thiết lập một mạng lưới bán hàng chủ động, tránh tình trạng quá phụ thuộc.

“Thực tế có nhiều doanh nghiệp Việt đã khai thác tốt đường biển nhưng một số chủ hàng ngại thay đổi, yêu cầu duy trì theo phương thức truyền thống nên vẫn chấp nhận rủi ro đưa hàng đi đường bộ. Trong khí đó, để mở tuyến hoặc nâng cấp tuyến vận tải đường biển, các hãng tàu cần có sự cam kết ổn định về lượng hàng”.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đưa ra khuyến nghị, các địa phương cần đẩy mạnh công tác quy hoạch các kho bảo quản, sơ chế nông sản, chủ động việc kết nối tiêu thụ sản phẩm từ sớm, kịp thời cập nhật thông tin để hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp các phương thức giao dịch theo hướng bền vững, ổn định, giảm rủi ro.